Cách TP Tam Kỳ khoảng 30 km về phía Tây, làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích cảm giác yên bình, muốn hít thở bầu không khí trong lành và thả hồn mình vào không gian làng quê thoáng đãng.
Đặc trưng làng quê xứ Quảng
Theo các vị cao niên, vùng đất Lộc Yên có quá trình hình thành gắn với công cuộc khai hoang lập làng vào thế kỷ XV-XVI. Đến thời Tây Sơn (1771-1802), làng Lộc Yên mới chính thức được "khai sinh" với tên gọi ban đầu là Lộc An thôn, do ông Nguyễn Công Tuyết, người làng Tân Phước (Tam Kỳ), khai phá.
Những con ngõ thơ mộng, cổ kính ở làng cổ Lộc Yên tạo cảm giác êm đềm cho du khách đến thăm
Năm 1947, Lộc Yên thôn được đổi tên thành làng Tiên Lộc. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên "huyện" thành "quận" và các thôn được đổi tên theo thứ tự dãy số, làng Lộc Yên được đổi tên thành thôn 4 - tên gọi này được giữ cho đến ngày nay.
Tại làng cổ Lộc Yên còn lưu giữ 8 ngôi nhà 100 - 150 năm tuổi Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, làng cổ Lộc Yên vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt và ngày càng phát triển. Ở đây, ta tìm thấy được những hình ảnh giản dị, gần gũi, thân thiết, rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng. Đó là những ngôi nhà ẩn mình dưới tán lá rợp mát của những khu vườn cây ăn quả, hòa mình vào cảnh quan tự nhiên của đồi, gò, sông, suối, ruộng, vườn. Giá trị của những công trình kiến trúc này được nâng cao bởi không gian văn hóa được hình thành từ nhà cổ. Trong không gian văn hóa này là những vườn cây lưu niên được phân tầng, bậc bằng các bờ đá thẳng tắp, những con ngõ dài được xếp bằng đá khéo léo và tinh xảo với hàng chè tàu xanh mướt, những giếng nước trong veo, những bờ mương róc rách tiếng con nước đổ vào ruộng thật quyến rũ.
Nơi đây còn có lưu giữ một “bảo vật” là chiếc bàn tự xoay đầy kỳ bí do nghệ nhân làng mộc Văn Hà tạo ra
Chung tay bảo tồn
Như những làng quê khác ở Tiên Phước, làng Lộc Yên khí hậu mát mẻ quanh năm nên cây cối luân phiên đơm hoa kết trái. Đến Lộc Yên vào mùa nào cũng có thể thưởng thức được các loại trái cây chín mọng trên cành. Bên cạnh không gian, cảnh sắc tuyệt đẹp thì phong tục, tập quán, lối sống thuần Việt, phong cách ứng xử ấm áp, hữu tình và đôn hậu của người dân địa phương cũng làm nên một bức tranh, một không gian văn hóa làng quê đặc sắc, tạo ra nét riêng thật độc đáo cho Lộc Yên. Có được như vậy là nhờ người dân nơi đây ý thức gìn giữ, bảo tồn.
Tại Lộc Yên, người dân hiện còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100 đến 150 năm. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Văn Hà (xã Tam Thành, Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), từng thanh gỗ thô cứng trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động. Với kiểu thức kết cấu là nhà lá mái và nhà rường cùng kiến trúc độc đáo, tinh xảo, các ngôi nhà cổ Lộc Yên luôn được đánh giá là quần thể có giá trị cao về mặt kiến trúc và mỹ thuật.
Bên cạnh những ngôi nhà rường cổ, những con ngõ, bờ vườn, mộ cổ, giếng cổ… được xây bằng đá đã hàng trăm năm tuổi, người dân Lộc Yên đã biết kế thừa di sản quý báu, tận dụng những nguyên liệu sẵn có để thiết kế không gian sống, sinh hoạt, lao động của gia đình, cộng đồng; vừa hạn chế được sự khô cứng của bê-tông, cốt thép vừa giữ gìn và phát huy được không gian văn hóa truyền thống vốn có từ bao đời. Những bờ đá, đường đá mới xây dựng, cây xanh, cây ăn quả phủ bóng đã tạo nên một không gian văn hóa sinh thái, một không gian kiến trúc xanh đúng nghĩa.
Khai thác tiềm năng du lịch
Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết dù chưa tổ chức được các tour bài bản nhưng hằng năm lượng khách đến Lộc Yên cũng tương đối lớn, khoảng 10.000 lượt khách/năm. UBND huyện Tiên Phước xác định bảo tồn, gìn giữ làng và văn hóa làng cổ Lộc Yên có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương, theo định hướng chung của cả nước, của tỉnh Quảng Nam.
Với lợi thế nguồn tài nguyên du lịch sinh thái nổi trội, Lộc Yên được xác định nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Bình luận (0)