Ngày 26-8, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đã có chia sẻ với báo chí về việc Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch: Việt Nam và Cộng hòa Síp (Cyprus). Ông Phạm Phú Quốc là đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, xem xét việc đại biểu Phạm Phú Quốc mang quốc tịch Cộng hoà Síp có vi phạm hay không phải căn cứ vào Luật Quốc tịch, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.
Từng tham gia xây dựng Luật Quốc tịch, ông Quyền cho biết khi mới ban hành, Luật quy định cứng công dân Việt Nam chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam, không được có quốc tịch thứ hai, ai muốn nhập quốc tịch khác phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Thời điểm đó, công dân có 2 quốc tịch được xem là vấn đề "rất phức tạp".
ĐBQH Phạm Phú Quốc trong một lần phát biểu ý kiến tại Quốc hội- Ảnh: Quochoi.vn
Cũng theo ông Quyền, Bộ Chính trị sau đó đã có Nghị quyết 36 về Người Việt Nam ở nước ngoài, rồi Luật Quốc tịch được sửa đổi theo hướng vẫn quy định nguyên tắc "người Việt Nam có 1 quốc tịch", nhưng mở ra một số trường hợp có thể có 2 quốc tịch.
Theo quy định sửa đổi, những trường hợp có thể có 2 quốc tịch chỉ được mở ra cho các đối tượng đấu tranh vì hòa bình, vì độc lập dân tộc, vì khoa học, vì đầu tư nước ngoài, vì đại đoàn kết toàn dân. "Việc này nhằm kêu gọi những nhà Việt kiều là người Việt Nam, đã mang quốc tịch các nước, có thể về Việt Nam để làm khoa học và cống hiến"- ông Quyền cho hay.
Nói về trường hợp của ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp, ông Quyền cho rằng ông Quốc không thể nói có quốc tịch là do gia đình bảo lãnh. Bởi theo phân tích của nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, quốc tịch là quyền luôn gắn với nhân thân của con người, quyền này chỉ được thực hiện khi cá nhân đó thể hiện ý chí muốn hay không muốn. "Việc nhập quốc tịch sau khi đã ứng cử vào Quốc hội thì cũng cần kê khai"- ông Quyền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Quyền nhắc đến Luật Tổ chức Quốc hội và Luật bầu cử ĐBQH và cho biết dù 2 Luật này không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, nhưng Điều 2 Luật Bầu cử ĐBQH lại nêu rõ "Công dân nước Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH".
"Như vậy có nghĩa là người ứng cử ĐBQH phải là công dân Việt Nam"- ông Quyền nhấn mạnh và cho rằng thiếu sót ở đây là khái niệm công dân Việt Nam trong trường hợp ứng cử ĐBQH chưa được giải thích trong một văn bản cụ thể nào, vì thế, còn gây nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên trong trường hợp của ông Phạm Phú Quốc, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng không thể tranh cãi được, bởi ĐBQH này đã phạm điều cấm trong nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Cụ thể, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng công chức, viên chức và cán bộ cơ quan Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Mà không có pháp luật nào cho phép ĐBQH được nhập quốc tịch của một quốc gia khác. Bên cạnh đó là quy định về kê khai tài sản, bởi để nhập quốc tịch Cộng hòa Síp, phải cần số tiền rất lớn.
Dù vậy, ông Nguyễn Đình Quyền cũng đánh giá còn có những điểm chưa rõ ràng khi không có văn bản cụ thể nào giải thích về khái niệm công dân Việt Nam tham gia bầu cử và ứng cử ĐBQH. Chính vì vậy, ông Quyền cho rằng đây là "tiếng chuông cảnh tỉnh cho việc làm chính sách".
"Tới đây, cần phải có văn bản quy phạm pháp luật giải thích khái niệm "công dân Việt Nam" quy định trong Luật Bầu cử ĐBQH"- nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho hay.
Bình luận (0)