Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 11-9, ông Nguyễn Hữu Hiệp nói trong quá trình dân vận cần hiểu tâm trạng và tôn trọng ý kiến người dân.
Phóng viên: Chủ trương vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm thực sự đã trở thành phong trào trong toàn dân. Theo ông, để đạt được kết quả trên thì yếu tố nào mang tính quyết định?
- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Quá trình phát triển đô thị cần nhiều nguồn lực để đầu tư và việc mở rộng hẻm là trách nhiệm của nhà nước nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay phải trang trải cho nhiều mục tiêu phát triển nên rất cần có sự chung tay của người dân. Việc nhân dân hiến đất mở rộng hẻm, làm đường, chỉnh trang đô thị là việc làm hết sức ý nghĩa. Bởi qua việc này sẽ mang lại lợi ích như: Bộ mặt đô thị được khang trang hơn, đường sá thông thoáng, thuận lợi cho công tác PCCC và qua đó, cuộc sống người dân tốt hơn, an toàn hơn, đi lại thuận lợi hơn... Rõ ràng đây là phong trào của toàn dân.
Yếu tố quyết định trong việc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, làm đường là cấp ủy chính quyền địa phương phải thấy nhu cầu mở rộng hẻm, làm đường là nhu cầu của nhân dân. Từ đó, mới có phương án, dự án cụ thể, xác định rõ việc gì người dân tham gia. Bác Hồ đã từng nói "Gốc của công tác dân vận là phát huy dân chủ", là phát huy quyền làm chủ của người dân. Chính quyền chỉ tổ chức thực hiện thành công chủ trương mở rộng hẻm, đường khi làm rõ lợi ích của người dân, để người dân chia sẻ và cùng tham gia. Bác Hồ từng viết trong bài báo dân vận dân là lực lượng dân vận rất to. Việc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, đường phải phát động thành phong trào mới thành công.
Kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chủ trương trên là gì, thưa ông? Cái gì cần phát huy, cái gì cần loại bỏ?
- Khi xây dựng chính sách phải đặt mình là người dân và tự trả lời những câu hỏi mà người dân quan tâm. Có như vậy, mới vận động thuyết phục người dân thuận theo chủ trương của chính quyền. Vấn đề người dân quan tâm đó chính là bảo đảm được lợi ích chính đáng, hợp pháp khi một chủ trương, chính sách được ban hành. Người dân Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng rất dễ đồng cảm, chia sẻ với quan điểm "mình bị thiệt một chút nhưng vì lợi ích chung thì người dân sẵn sàng góp sức". Bác Hồ đã từng nói "Dân vận là vận động tất cả mọi người, không sót một ai". Trong quá trình dân vận cần phát huy yếu tố sát dân, nắm, hiểu tâm trạng của người dân, của từng hộ gia đình và nhất là phải tôn trọng ý kiến của từng người dân.
Ở TP HCM, việc hiến đất mở rộng hẻm đã thực sự trở thành phong trào trong toàn dân Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông, mô hình nào xứng đáng được biểu dương?
- Mô hình nào có lợi cho người dân và cộng đồng đều được đáng biểu dương. Như gần đây, người dân quận 3 (TP HCM) đã hiến đất mở rộng hẻm mà Báo Người Lao Động đã phản ánh.
TP HCM vẫn còn rất nhiều con hẻm quá nhỏ, đòi hỏi phải mở rộng nhưng vẫn vấp phải một vài nơi không ủng hộ, vậy giải pháp là gì, thưa ông?
- Vẫn phải vận động thuyết phục làm sao để 100% người dân đồng thuận. Ví dụ: Các hộ dân trong hẻm đều ủng hộ chủ trương mở rộng hẻm nhưng chỉ còn một hộ chưa đồng tình thì phải vận động, thuyết phục sao cho hộ này thấy được khi mở rộng hẻm đường sá rộng thuận tiện cho việc đi lại, đặc biệt là giá trị đất ở được nâng lên…
Kế hoạch tới đây của Ban Dân vận Thành ủy TP HCM trong việc vận động người dân cùng chung tay hiến đất, mở rộng hẻm, đường… nói chung là chỉnh trang đô thị thế nào thưa ông?
- Hướng đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng bộ các xã, phường, thị trấn, quận, huyện cần quan tâm đến việc rà soát các mục tiêu nhiệm vụ được nêu trong 7 chương trình đột phá của Đại hội X Đảng bộ TP; phải tập trung thực hiện những chương trình, công trình gắn với từng địa bàn cụ thể làm sao để góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong đó, đáng chú ý là thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" và Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Còn lại cả hệ thống chính trị theo quy hoạch phát triển hạ tầng thì tăng tốc hoàn thành những công trình trọng điểm và vẫn với phương thức là vận động nhân dân chung tay với chính quyền xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Những con số ấn tượng
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ TP HCM, sau 15 năm tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" (giai đoạn 2003-2018), người dân TP đã tự nguyện hiến hơn 2,2 triệu m² đất, tính giá trị đất theo giá nhà nước thì ước tính người dân hiến trên 2.200 tỉ đồng.
Nổi bật phải kể đến quận Phú Nhuận khi là địa phương tiên phong trong phong trào mở rộng hẻm từ năm 1999. Trải qua 20 năm, cả hệ thống chính trị của quận và người dân đều nỗ lực mở rộng, nâng cấp, cải tạo hẻm, mở hẻm thành đường… Chỉ trong 10 năm trở lại đây, quận Phú Nhuận đã mở rộng 74 hẻm với diện tích gần 14.465 m² đất do 3.103 hộ gia đình hiến.
Kế đến phải kể đến quận 3. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, quận 3 đã mở rộng được 23 tuyến hẻm từ đất người dân hiến. Hiện quận 3 vừa khởi công mở rộng thêm 10 tuyến hẻm và dự kiến đến tháng 10-2019 sẽ mở rộng thêm một tuyến hẻm. Dự kiến đến hết năm 2019, cả quận 3 có 34 tuyến hẻm được mở rộng, với số hộ dân hiến đất là 1.172. Tổng diện tích đất hiến hơn 9.300 m2, tương ứng với số tiền gần 445 tỉ đồng.
P.Anh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-9
Bình luận (0)