Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trọng yếu, cấp bách trong công tác bảo vệ an ninh tư tưởng, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ đoạn tinh vi
Thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chiến thắng không cần súng đạn, không cần chiến tranh, các thế lực thù địch, phản động tập trung mũi nhọn tấn công chúng ta trên mặt trận tư tưởng nhằm tạo ra khoảng trống về tư tưởng, từng bước làm chuyển hóa nhận thức của cán bộ, đảng viên, khi có cơ hội sẽ tiến hành bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng.
Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc để chống phá. Trong các phương thức chống phá, internet và mạng xã hội được xem là công cụ hữu hiệu nhất mà chúng đang triệt để lợi dụng.
Tại Việt Nam, hiện có rất nhiều mạng xã hội khác nhau, trong đó đa phần của những công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Lợi dụng internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã lập hàng ngàn trang web, blog để phát tán, tuyên truyền thông tin xấu, độc nhằm mục đích chống phá.
Theo báo cáo thường niên của Hootsuite và We are Social, Việt Nam là nước có tỉ lệ người sử dụng internet và mạng xã hội tương đối cao (với 64 triệu người dùng internet, 62 triệu người dùng mạng xã hội), xếp thứ 7 trong số các nước có lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới. Nhìn chung, người dùng mạng xã hội có trình độ tương đối cao - là học sinh, sinh viên, trí thức, công chức, viên chức.
Thực tế cho thấy, ngoài việc sử dụng mạng xã hội để phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin bổ ích, người dùng còn truy cập các trang web nước ngoài, blog, diễn đàn, YouTube. Không ít người dễ bị tác động bởi các thông tin xấu, độc được tung ra bởi các thế lực thù địch.
Lợi dụng internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc, thổi phồng những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước ta; lợi dụng các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để kích động, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…
Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch, phản động tăng cường sử dụng internet, mạng xã hội để câu kết, móc nối với một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, biến chất nhằm mua chuộc, lôi kéo, tạo dựng lực lượng chống phá từ bên trong.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn thành lập nhóm kín trên mạng xã hội để lôi kéo, tập hợp lực lượng, hình thành các nhóm phản động, tổ chức và sẵn sàng thực hiện các hoạt động phá hoại, khủng bố.
Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị. Trong ảnh: Sinh hoạt chuyên đề “Tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay” do Đảng bộ Báo Người Lao Động tổ chức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nâng cao bản lĩnh chính trị
Những thông tin sai trái, thù địch, bịa đặt trên mạng xã hội đang hằng ngày, hằng giờ tác động vào nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Với chủ trương "mưa dầm thấm sâu", cùng với thủ đoạn hết sức tinh vi khi tuyên truyền - như nêu một vài vụ việc tiêu cực ở nước ta rồi lồng ghép với nhiều thông tin hoàn toàn sai trái, bịa đặt - các thế lực thù địch gây nhiễu loạn thông tin, hướng lái dư luận, làm cho người tiếp cận thông tin mất phương hướng, suy giảm lòng tin.
Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống các hành vi lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân thì cần phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ, đảng viên và sự tham gia của nhân dân.
Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định hệ tư tưởng của Đảng, kiên định con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn; chủ động trong tiếp nhận, sàng lọc thông tin; "đề kháng", "miễn nhiễm" với các thông tin xấu, độc, sai trái, bịa đặt.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải là một chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch; tạo thành lực lượng to lớn, rộng khắp. Chia sẻ thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"; tích cực phản biện những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn xuất phát từ những hành động cụ thể gắn với công việc, cuộc sống hằng ngày; không tham nhũng, tiêu cực, không xa hoa, lãng phí, không gây mất đoàn kết nội bộ. Cán bộ, đảng viên phải tạo được lòng tin của nhân dân qua hoạt động thực tiễn. Khi dân đã có lòng tin thì mọi thông tin tuyên truyền, nói xấu, bôi nhọ, hạ bệ cán bộ, đảng viên đều bị vô hiệu hóa.
Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải biết phát huy những ưu điểm, lợi ích của mạng xã hội để tuyên truyền cho nhân dân, người thân về các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước; quảng bá các hình ảnh, tấm gương người tốt, việc tốt đến với cộng đồng xã hội.
Thực hiện các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Cán bộ, đảng viên phải nắm vững và góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực hiện đúng Quy định 85-QĐ/TW ngày 7-10-2022 của Ban Bí thư về cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội.
Cán bộ, đảng viên cần chủ động, nghiêm túc thực hiện các quy định, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; thường xuyên rèn luyện kỹ năng tiếp nhận, phân tích, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội; sử dụng mạng xã hội hiệu quả, thiết thực, lành mạnh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng, đất nước và dân tộc.
Bình luận (0)