Quy định 114 liệt kê 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi "chạy chức, chạy quyền" và 5 hành vi tiêu cực khác.
Đặc biệt, Quy định 114 dành hẳn 1 chương nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; của người đứng đầu các cơ quan tham mưu; của cán bộ tham mưu, của nhân sự và trách nhiệm phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng, ngày 26-7-2023.Ảnh: TTXVN
Điểm đáng chú ý trong Quy định 114 là không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản trong các công việc cụ thể như: Quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu cử; chính sách cán bộ; quy định về những điều đảng viên không được làm; lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng...
Dù việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng, đã có tác động cảnh báo, răn đe và ngăn chặn song vẫn còn có những mặt hạn chế. Việc thực hiện ở một số nơi còn nặng hình thức; tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong chính sách cán bộ, tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn còn xảy ra; việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm đúng quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, cá biệt còn bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín.
Để việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đạt hiệu quả cao, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ nguồn các cấp, cần luôn được công khai, minh bạch. Mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ liên quan công tác cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan và trong sạch. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, đoàn thể, người dân… nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên" phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Bình luận (0)