Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP tỉnh Quảng Nam, cho biết Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP tỉnh Quảng Nam đang làm báo cáo UBND tỉnh về các vướng mắc liên quan đến tàu vỏ thép đóng mới theo nguồn vốn vay Nghị định 67 của ngư dân Trần Văn Liên (SN 1966; ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Lo nợ xấu, dừng cho vay
Theo ông Tấn, tại buổi làm việc với ông Liên vào ngày 23-5, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quảng Nam thông báo dừng cho ông Liên vay vốn đóng tàu, thanh lý hợp đồng, chuyển tàu cho chủ khác.
Ông Trần Văn Liên lâm vào cảnh khốn cùng kể từ khi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67
Còn lãnh đạo BIDV Chi nhánh Quảng Nam cho biết đến nay, BIDV đã giải ngân cho ông Liên hơn 7,6 tỉ đồng trong tổng số hơn 14,5 tỉ đồng theo hợp đồng. Việc dừng cho vay là vì khoản vay trước của ông Liên đã chuyển thành nợ quá hạn từ tháng 12-2016 và đến nay đã trở thành nợ xấu, ông Liên không còn khả năng trả nợ.
Một lý do quan trọng khác mà BIDV Chi nhánh Quảng Nam đưa ra là vụ việc tranh chấp giữa ông Liên với đơn vị đóng tàu, đơn vị cung cấp máy đến nay chưa được giải quyết. Hiện tại, phía tòa án đã tuyên bản án phúc thẩm đối với sự cố máy chính của tàu ông Liên nhưng bên đơn vị cung cấp máy vẫn chưa thi hành bản án. Do đó, nếu được giải ngân thì tàu vẫn phải nằm bờ do còn phát sinh khiếu kiện giữa các bên. Trong trường hợp này, tàu vẫn không được đưa vào hoạt động khai thác thì cả ngân hàng và ông Liên cũng không được gì, lại càng khó khăn thêm.
Có chết cũng chết trên tàu!
Xin nhắc lại, ngày 29-3-2016, tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của ông Liên vừa hạ thủy, chạy thử thì hỏng máy. Đơn vị đóng tàu (Công ty Bảo Duy) và đơn vị cung cấp máy (Công ty CP Tập đoàn Liên Á) đổ lỗi cho nhau nên ông Liên khởi kiện ra tòa. Ngày 30-8-2017, TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tuyên Công ty Bảo Duy bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng. Ngày 30-1-2018, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Công ty Bảo Duy, buộc Công ty Liên Á hoàn trả lại cho ông Liên số tiền 1,57 tỉ đồng. Không đồng tình với bản án, Công ty Liên Á làm thủ tục giám đốc thẩm.
Sự việc kéo dài cho đến nay và ông Liên chưa được nhận tiền bồi thường máy hỏng, chưa biết đơn vị nào chịu trách nhiệm chi trả các khoản tiền phát sinh do chậm bàn giao tàu, trong đó có hơn 200 triệu đồng tiền phạt quá hạn của BIDV. Cũng vì các vướng mắc trên, BIDV không tiếp tục giải ngân khoảng 7,5 tỉ đồng còn lại trong số tiền vay của ông Liên và có ý định chấm dứt hợp đồng vay vốn với ông Liên.
Trước động thái của BIDV Chi nhánh Quảng Nam, ông Liên nói nếu chuyển giao con tàu cho người khác, gia đình sẽ lâm vào đường cùng, trắng tay, nợ nần chồng chất. Theo ông Liên, để được BIDV cho vay hơn 14,5 tỉ đồng đóng tàu, ông phải bán con tàu cũ, vay mượn thêm mới có vốn đối ứng 750 triệu đồng. Đến khi tàu đóng xong, ông tiếp tục cầm sổ đỏ ngôi nhà vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để thuê lao động, mua nhu yếu phẩm chuẩn bị ra khơi. Tuy nhiên, do tàu gặp sự cố ngay khi hạ thủy, kiện tụng kéo dài nên ông đã kiệt quệ. Từ một gia đình khá giả nay nợ nần chồng chất, cha con ông phải đi làm thuê kiếm sống.
"Chừ tới đường cùng rồi, có chết cũng chết theo tàu. Tôi chỉ mong lãnh đạo tỉnh giải quyết chứ vỡ nợ ra rồi biết làm răng?" - ông Liên chua chát.
Ngư dân Bình Định được hỗ trợ bèo bọt
Trải qua hàng chục cuộc họp kéo dài khoảng 1 năm, cuối cùng sự cố hư hỏng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/CP tại tỉnh Bình Định cũng đã khép lại sau thỏa thuận hỗ trợ giữa doanh nghiệp đóng tàu và ngư dân. Theo đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) hỗ trợ thiệt hại cho 5 chủ tàu tổng cộng 881 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Nam Triệu (TP Hải Phòng) hỗ trợ 14 chủ tàu 3,57 tỉ đồng. Hai doanh nghiệp này còn hỗ trợ 1% lãi suất vay vốn cho các chủ tàu trong thời gian sửa chữa tàu.
Có tất cả 20 tàu cá vỏ thép ở Bình Định do 2 doanh nghiệp trên đóng mới theo Nghị định 67/CP vừa hạ thủy chưa được bao lâu đã bị hư hỏng. Sau đó, 19/20 chủ tàu yêu cầu 2 doanh nghiệp bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền 45,54 tỉ đồng. Trong đó, 14 chủ tàu yêu cầu Công ty Nam Triệu bồi thường, hỗ trợ 36,54 tỉ đồng và 5 chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương bồi thường, hỗ trợ hơn 9 tỉ đồng. Các ngư dân cho biết do quá mệt mỏi khiếu kiện và để yên tâm sản xuất, họ buộc phải chấp nhận số tiền "bèo bọt" theo thỏa thuận như nói trên.
Đ.ANH
Bình luận (0)