Ngày 29-3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) trong phần phát biểu của mình đã đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã đạt được.
Nhiệm kỳ qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nhưng với sự điều hành sát sao của Chính phủ, sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, doanh nghiệp, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận
"Nhiệm kỳ qua, thành quả, thành tựu là bao trùm, nhưng với cá nhân tôi, còn có một vài điều gửi đến Chính phủ nhiệm kỳ hiện tại, nếu được xin gửi đến Chính phủ nhiệm kỳ tương lai. Mặc dù Chính phủ đã lèo lái còn tàu Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thách thức, nhưng theo cảm nhận của tôi, Chính phủ còn quá "hiền lành""- ĐB Nguyễn Quốc Hận bày tỏ.
Lý giải rõ về cảm nhận "hiền lành" vừa nêu, ĐB Hận cho rằng việc xây dựng pháp luật còn có nhiều bất cập, còn tình trạng xin điều chỉnh chương trình, xin rút, xin bổ sung. Một số dự án luật dù có trong kế hoạch xây dựng từ đầu nhưng thiếu sự chuẩn bị, một số dự án luật không có trong kế hoạch nhưng lại xin bổ sung.
"Tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn xảy ra, một số trường hợp chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn luật gây thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng như chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Phá sản, Luật Tài nguyên nước. Việc ban hành văn bản hướng dẫn luật không sát dẫn đến tình trạng lợi dụng kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thậm chí đề bạt cho con cái, dòng họ vào các vị trí lãnh đạo cơ quan nhà nước"- ông Nguyễn Quốc Hận nói.
Vị ĐB tỉnh Cà Mau nêu rõ trong nhiệm kỳ, một vài bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương để xảy ra sai phạm, có dư luận không tốt trong một thời gian dài. Mặc dù những sai phạm, hạn chế yếu kém đã được báo chí phát hiện, nhân dân và cử tri bức xúc, nhưng suốt cả nhiệm kỳ không thấy tư lệnh ngành nào có hình thức xử lý cụ thể, mà hầu hết là rút kinh nghiệm cho qua.
"Việc xử lý "hiền lành" nêu trên, cũng đồng nghĩa với việc không nghiêm minh, từ đó tạo tiền lệ không tốt, làm cho xã hội mất công bằng, thui chột sự phấn đấu, hệ lụy là sự trì trệ"- đại biểu Nguyễn Quốc Hận bày tỏ trước Quốc hội.
Do đó, trong nhiệm kỳ tới, ĐB Nguyễn Quốc Hận kiến nghị cần mạnh dạn xử lý trưởng ngành, lãnh đạo địa phương để xảy ra sai phạm, hoặc lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng kiến nghị trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần duy trì mạnh mẽ kỷ cương việc xây dựng pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo.
Bên cạnh đó, quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương triển khai Đề án trồng mới 1 tỉ cây xanh; có cơ chế thu hút, "quần tụ nhân tài"; xây dựng cơ chế ứng phó với các tình huống bất ngờ.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) kiến nghị Chính phủ thời gian tới quan tâm 3 vấn đề sau: Thứ nhất, nợ xấu, nợ công giảm mạnh, đây là dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới trong bối cảnh phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, kết quả nhập siêu tích cực nhưng còn một số vấn đề cần lưu ý như nhập siêu với các nước trong khu vực.
Thứ ba, Chính phủ đã quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhưng thành công này đặt ra thách thức lớn cho nhiệm kỳ mới vì không còn nhiều dư địa để cải cách, do đó, cần đột phá thể chế, chuyển đổi phương thức quản lý mạnh mẽ trên cơ sở chuyển đổi số…
Bình luận (0)