Trong phương thức quản lý tập trung trước Đổi mới, nguồn nhân lực do nhà nước điều phối nên các trường ĐH đều theo hướng chỉ tiêu từ nhà nước theo các chuyên ngành là phù hợp. Nhưng hiện nay, lực lượng lao động đã hình thành thị trường lao động cạnh tranh và từ đó, tư duy quản lý theo mệnh lệnh hành chính và theo quy hoạch và chuyên ngành thực sự đã không còn phù hợp. Thực tế, hiện có rất nhiều bộ - ngành đang là đơn vị chủ quản của rất nhiều trường, đơn cử như Bộ Công Thương chủ quản 34 trường ĐH, cao đẳng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ quản 32 trường ĐH, cao đẳng; Bộ Y tế chủ quản 11 trường ĐH... Bên cạnh đào tạo các ngành thế mạnh theo quản lý của cơ quan chủ quản, các trường ĐH, cao đẳng này cũng giảng dạy rất nhiều chuyên ngành khác nhau theo nhu cầu thị trường lao động.
Rõ ràng, việc phân bổ ngân sách cho các bộ rồi phân tiếp cho các trường trực thuộc là việc làm không phù hợp và khiến cho bộ máy các bộ cồng kềnh.
Quay trở lại nhiệm vụ chính của giáo dục ĐH là đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học. Đây là nhiệm vụ mang tính điều phối của vùng và khu vực nhiều hơn là của các ngành. Địa phương hay quốc gia muốn phát triển sẽ cần khuyến khích đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển, thu gọn các ngành không còn phù hợp.
Chính vì vậy, việc phân cấp phù hợp hơn là theo địa lý. Theo đó, các ĐH quốc gia, ĐH vùng sẽ do cấp trung ương quản lý, các trường ĐH sẽ do địa phương quản lý nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các trường chuyên ngành thuộc bộ đặc thù như an ninh, quốc phòng sẽ là các học viện chỉ đào tạo phục vụ cho ngành mà các trường ĐH khác không đào tạo được. Các ngành phổ biến như kinh tế, kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật, luật, sức khỏe sẽ không cần các trường ĐH riêng trực thuộc các bộ nữa.
Khi chuyển về trung ương và địa phương, cơ chế tự chủ sẽ thể hiện qua hội đồng trường. Nhân sự hội đồng trường sẽ được quyết định bởi một cơ chế hội đồng khác. Đó có thể là Quốc hội với các trường thuộc trung ương và HĐND đối với các địa phương. Khi đó, các cơ quan theo nguyên tắc hội đồng này sẽ đề cử và lựa chọn các thành viên có uy tín trong xã hội để quản trị ĐH, phân phối nguồn lực xã hội để hỗ trợ giáo dục ĐH phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tư duy về hội đồng trường và quản trị chất lượng bằng kiểm định là điểm sáng đã được ghi nhận bằng Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung năm 2018 nhưng cơ chế hoạt động cho hội đồng trường còn mờ nhạt và mang tính hình thức. Một lần nữa, quản trị giáo dục ĐH cần một cú hích mạnh để Việt Nam có nhiều hơn nữa những trường ĐH đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Bình luận (0)