Do có giá trị cao nên sâm bố chính trong tự nhiên bị khai thác cạn kiệt, gần như biến mất trên chính quê hương của nó. Từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Tuệ Lâm đã liên kết với hàng chục hộ dân triển khai thực hiện dự án khôi phục cây dược liệu quý của địa phương; xây dựng chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ sâm bố chính tại tỉnh Quảng Bình.
Ngoài việc trồng tập trung khoảng 50 ha tại nông trại của công ty, đơn vị này còn liên kết với người dân trong vùng trồng khoảng 500 ha nhằm đáp ứng nguyên liệu cho chế biến. Công ty sẽ xây dựng nhà xưởng chế biến, đầu tư các trang thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, an toàn và giá cả hợp lý. Công ty cũng đẩy mạnh khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm giải quyết tốt đầu ra cho người sản xuất.
Cánh đồng sâm bố chính trồng mới trên vùng đất Quảng Bình
Niềm vui của người dân ở Quảng Bình khi thu hoạch sâm bố chính
Doanh nghiệp này đã liên kết với người dân triển khai trồng gần 50 ha sâm bố chính tại huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương. 5 hộ gia đình đã tham gia chuỗi liên kết để phát triển kinh tế và thu được những thành quả đáng ghi nhận.
Công ty Tuệ Lâm đã triển khai hệ thống giàn tưới tự động nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ trên toàn bộ diện tích sản xuất; đưa tiêu chuẩn VietGAP, GACP-WHO vào quy trình canh tác để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và năng suất cao. Mới đây, Công ty Tuệ Lâm cũng đã ra mắt không gian ẩm thực nhà hàng sâm Việt tại Quảng Bình có tên Sabochi, để khai thác hết giá trị dinh dưỡng của loài sâm này trong ẩm thực.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Phương, Khoa Nông Lâm Ngư - Trường ĐH Quảng Bình, nhận định việc khôi phục và phát triển sâm bố chính ở vùng đất Quảng Bình không chỉ mang lại giá trị lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa bảo tồn, phát triển loài cây dược liệu quý từng bị thất truyền ở vùng đất này.
Bình luận (0)