Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Trong báo cáo này, đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổng hợp được 44 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc tất cả các lĩnh vực.
Về giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước, đại đa số cử tri Hà Nội rất phấn khởi, đồng tình và ủng hộ việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước và đề nghị Quốc hội thực hiện nội dung này ngay từ đầu kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Về hoạt động giám sát, cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị Quốc hội thực hiện chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải về vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông và tình trạng mãi lộ hiện nay.
Cử tri đề nghị Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể - Ảnh: Quochoi
Cử tri TP Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục chất vấn bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo về việc cải cách sách giáo khoa lớp 1; quan điểm của bộ về về sách "Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục" của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được thí điểm từ nhiều năm, hiện nay được thí điểm tại nhiều tỉnh, thành gây nên nhiều luồng ý kiến khác nhau.
"Cử tri cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cẩn trọng trong cải cách giáo dục theo hướng giảm tải chương trình học, tăng cường dạy kỹ năng sống, tránh lãng phí ngân sách nhà nước và tiền của nhân dân"- báo cáo nêu rõ.
Cử tri Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với cán bộ, giáo viên, học sinh có hành vi gian lận trong thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và tiếp tục kiểm tra, rà soát những năm trước đây để xử lý nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo giữ vững niềm tin của nhân dân.
Cử tri Hà Nội đề nghị tiếp tục chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: Quochoi
Về công tác xây dựng luật, nghị quyết, cử tri cho rằng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cho phép cơ sở giáo dục tự lựa chọn sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống giáo dục cả nước. Do đó, đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ khi thông qua luật này và hạn chế việc thay đổi nội dung sách giáo khoa nhiều lần, ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh và gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai theo hướng khuyến khích người nông dân tích tụ ruộng đất để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, bảo vệ an ninh lương thực, quyền chủ quyền đất đai, quyền tài sản của người nông dân và hạn chế tối đa việc lợi dụng chính sách tích tụ, tập trung đất đai nhằm đầu cơ, tích trữ đất; xem xét, tiếp tục thực hiện cấp đất dãn dân ở những nơi còn đủ điều kiện, người dân còn nhiều khó khăn có nhu cầu được cấp đất; quy định về chuyển đổi đất xen kẹt trong khu dân cư thành đất ở cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bình luận (0)