Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng tại 63 tỉnh, thành diễn ra từ ngày 29 và 30-11, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính băn khoăn sau thời gian dài thực hiện việc tinh giản biên chế (TGBC) nhưng bộ máy càng phình to, biên chế tăng mạnh nhưng không có cá nhân bị kỷ luật, xử lý trách nhiệm.
Chưa ai bị kỷ luật vì tăng biên chế
Ông Phạm Minh Chính cho biết hiện cả nước số lượng tổng cục, cục, vụ, các phòng đã tăng mạnh so với năm 2011. Trong khi đó, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến cải cách, tinh gọn bộ máy. Điều đáng nói là người đứng đầu ngành tổ chức cho rằng theo Nghị quyết 39 cả nước mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000-150.000 người nhưng thực tế đã tăng thêm 96.000 người. Trong suốt thời gian thực hiện nghị quyết, chưa có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế cũng như được khen vì giảm biên chế thành công.
Về công tác TGBC chưa đạt hiệu quả như đề ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp chưa quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt. Theo ông Thưởng, ai cũng thừa nhận bộ máy cồng kềnh, bất hợp lý nhưng khi yêu cầu triển khai tinh giản thì nhiều nơi tự nhận nơi mình tốt, đùn đẩy việc tinh giản sang chỗ khác.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính băn khoăn sau 2 năm thực hiện tinh giản biên chế nhưng lại tăng thêm 96.000 người Ảnh: NGUYỄN NAM
Cần khoán quỹ lương
Báo cáo tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vừa diễn ra, Chính phủ đánh giá các quy định của pháp luật về quản lý biên chế chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý đối với những trường hợp quản lý, sử dụng biên chế không đúng với quy định. Bên cạnh đó, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu của các đơn vị, tổ chức chưa được phát huy và thực hiện trong quá trình TGBC. Do vậy, Chính phủ kiến nghị người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện TGBC. Nếu không hoàn thành kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, nhà nước.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho biết để TGBC thành công, đầu tiên cần tập trung vào kinh tế, các cơ quan có thẩm quyền cần khoán quỹ lương cho đơn vị, nếu quỹ lương được khống chế, thì số lượng biên chế theo đó mà vào khuôn khổ. "Hiện nay, nhiều nơi trông chờ vào ngân sách chi thường xuyên. Họ vẫn muốn xin tăng biên chế vì chi thường xuyên được tăng lên theo. Nếu chúng ta khoán quỹ lương thì sẽ hạn chế phình to bộ máy" - ông Thưởng nêu quan điểm.
Ông Lê Quang Thưởng cũng cho rằng cần thiết phải có quy định, chế tài để xử lý các cá nhân, tổ chức thực hiện việc TGBC không hiệu quả. Theo ông, hiện cơ chế vẫn phó mặc cho người đứng đầu, không quy trách nhiệm, không kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc khiến việc TGBC chỉ "xuề xòa" cho xong. "Tại sao những nơi TGBC chưa tốt lại không đưa người đứng đầu, những người làm công tác tổ chức ra để kiểm điểm, xử lý thật nghiêm làm gương" - ông Thưởng băn khoăn. Ông Thưởng kiến nghị cần bổ sung các quy định để làm cơ sở xử lý trách nhiệm khi công tác TGBC không đạt hiệu quả.
Về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác TGBC, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng việc quan trọng là đánh giá về công chức và cần thay đổi phương pháp đánh giá như thời gian qua. Theo ông Tân, đánh giá công chức là để biết người nào làm việc tốt, hiệu quả công việc cao. Trên cơ sở đánh giá đó, không phải chỉ để đến cuối năm mới làm mà phải kiểm tra công việc thường xuyên, hằng tháng, thậm chí là hằng ngày.
"Người đứng đầu trong các tổ chức phải nắm được công việc giao cho cán bộ, công chức xem họ làm kết quả đến đâu. Đây là cơ sở để đánh giá cán bộ cho tốt, cũng là để thực hiện chính sách cán bộ cũng như TGBC" - Bộ trưởng Tân nhấn mạnh.
Bộ Tài chính nói chỉ có 7 cục trưởng (!?)
Ngày 1-12, Bộ Tài chính đã phản hồi và khẳng định cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Tài chính có 20 vụ, cục chuyên môn và một số đơn vị sự nghiệp, hiện chỉ có 7 cục trưởng. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn có 5 tổng cục và tương đương trực thuộc. Trong 5 tổng cục và tương đương nêu trên, có 4 tổng cục được tổ chức theo ngành dọc từ trung ương đến cấp huyện theo địa giới hành chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế); theo khu vực (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ nhà nước). Tổng số có 183 cục tại các địa phương gồm: 63 Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phô; 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố; 35 Cục Hải quan khu vực; 22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Bộ Tài chính có 181 cục trưởng, 423 cục phó, 63 vụ trưởng và 239 phó vụ trưởng. Số lượng trưởng phòng, phó phòng và tương đương ở bộ này là hơn 9.100 biên chế. Xếp sau là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 63 cục trưởng, 124 cục phó; Bộ Tư pháp có 57 cục trưởng và 134 cục phó và tương đương.
T.Hà - M.Chiến
Bình luận (0)