Ngày 30-10, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Đầu vào to, đầu ra nhỏ
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu (ĐB) Phùng Đức Tiến (tỉnh Hà Nam) cho biết cả nước hiện có hơn 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là CB-CC), tính chung tổng số đang hưởng lương khoảng 8 triệu người, chiếm 8,3% dân số. "Bộ máy nhà nước còn rất cồng kềnh với nhiều tầng lớp. Đội ngũ CB-CC lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hằng năm, ngân sách phải bỏ ra khoảng 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương" - ĐB Tiến nhận xét.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân cho rằng đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quảẢnh: Nguyễn Nam
Ông Tiến còn đưa ra số liệu trong giai đoạn 2007-2011, việc tinh giản biên chế chỉ đạt 2,8%, trong đó hơn 90% là đối tượng về hưu trước tuổi. Đến giai đoạn 2011-2016, tổng số biên chế lại tăng gần 4,8% so với năm 2011. Như vậy, tinh giản biên chế chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng phình to các đầu mối, gia tăng lượng biên chế" - ĐB Tiến cho hay.
Trước thực trạng này, ĐB Tiến đề nghị phải giảm tối đa bộ máy, trước hết khẩn trương chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm giảm áp lực ngân sách chi trả lương cho hơn 2 triệu CB-CC.
ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cũng thẳng thắn nêu thực trạng biên chế như hình phễu: đầu vào to nhưng đầu ra nhỏ, trên giảm thì dưới tăng, bóp trên phình dưới. Ông Tám băn khoăn: "Đội ngũ công chức hiện có bao nhiêu % chưa hoàn thành nhiệm vụ? Chưa có câu trả lời thỏa đáng thì sẽ khó tinh giản đúng đối tượng".
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, một trong những nguyên nhân dẫn đến tinh giản biên chế chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng; một số luật, văn bản ban hành lại phát sinh thêm biên chế. Từ bộ, ngành đến các địa phương thực hiện thiếu nghiêm túc, thậm chí còn tùy tiện trong bổ nhiệm, đề bạt; thành lập các vụ, viện, hình thành một số chức danh không đúng trong quy định, ví dụ như hàm vụ trưởng, vụ phó. ĐB Phương dẫn chứng: "Quy định các bộ không có quá 4 thứ trưởng nhưng có bộ có đến 9 thứ trưởng. Việc làm này dẫn đến tình trạng trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được… và từ đó cấp phó tăng nhanh".
Trước thực trạng có 31/63 tỉnh, thành sử dụng biên chế vượt 6.376 biên chế, ĐB Phương đề nghị phải làm ngay việc tinh giản các bộ phận trong các cơ quan ở bộ, ngành, địa phương cũng như phải giảm số lượng cấp phó.
Không thể "ầu ơ" được nữa
Bàn về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, ĐB Nguyễn Minh Sơn (tỉnh Tiền Giang) nói trước đây, nhiều ĐBQH so sánh ngân sách nhà nước như cái bánh, chia kiểu nào cũng không đủ cho bộ máy. Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm đổi mới toàn diện nhưng bộ máy hành chính vẫn cứ cồng kềnh như hiện nay thì cái bánh ngân sách cho dù trở thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi! Do vậy, đã đến lúc không thể "ầu ơ", khoan nhượng với tinh giản bộ máy hành chính.
ĐB Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cũng chỉ rõ tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ cồng kềnh, còn nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng, như tổng cục, cục, vụ, phòng..., từ đó cán bộ lãnh đạo cũng tăng theo. Thậm chí một số bộ, ngành còn "sáng kiến" bổ nhiệm cấp hàm vụ trưởng, vụ phó, trưởng phòng; một số phòng chỉ có 3 người thì có 1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng. "Phải có quy định rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu về chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ công chức" - ĐB Hòa đề xuất.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) cho biết Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã nêu là cơ bản không tổ chức phòng trong vụ; Nghị định 123/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định không tổ chức phòng trong vụ. Tuy nhiên, theo qua báo cáo của Chính phủ thì chỉ có 2/22 bộ, cơ quan ngang bộ là không tổ chức phòng trong vụ. Trong khi đó có 861 phòng trong vụ, tính ra cứ 1 vụ có 4 phòng, có vụ lên tới 7 phòng. Do đó, ĐB Mai Thị Phương Hoa đề nghị thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu thực hiện không đúng quy định, không đạt được mục tiêu tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy.
Cần "bàn tay sắt"
Theo ĐB Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau), chất lượng cán bộ, lãnh đạo kém là gốc rễ của những bất cập trong cải cách bộ máy hành chính hiện nay. Do đó ông Vân đề nghị phải có các tiêu chuẩn cụ thể để chọn được đội ngũ cán bộ giỏi. Các chức danh bổ nhiệm thì phải thi tuyển; các chức danh do bầu cử thì phải đề xuất chương trình hành động và thực hiện lời hứa của mình trong nhiệm kỳ. "Ai không làm được việc thì phải loại ra khỏi bộ máy. Ai không ngang tầm với chức vụ và vi phạm kỷ luật thì lập tức thay thế, không cần đợi đến hết nhiệm kỳ" - ĐB Vân nói.
ĐB Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) nhìn nhận điều kiện để tiến hành cải cách là không thiếu bởi chủ trương có, quyết tâm chính trị có, nền tảng pháp lý có. Thế nhưng, bộ máy vẫn tiếp tục cồng kềnh, biên chế ngày càng phình to và ngân sách nuôi bộ máy đã vượt ngưỡng giới hạn. Theo ông Nhân, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tưởng dễ hóa ra quá khó. Cái khó chủ yếu là lòng người. "Nếu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm còn quá lớn, lấn át cả nhận thức và tư duy cũ kỹ, lạc hậu thì cần thiết đòi hỏi phải có một "bàn tay sắt", đủ cứng rắn, đúng đắn như Đảng đã và đang làm trong phòng chống tham nhũng hiện nay" - ĐB Nhân đề xuất.
Vị ĐB đến từ Bình Dương đúc kết chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì lúc đó mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này. "Trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, dù phải lấy đá ghè chân chính mình, chúng ta cũng phải làm. Đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả" - ĐB Nhân nhấn mạnh.
Phân cấp, phân quyền chưa nhất quán
Trả lời báo chí bên hành lang QH vào sáng cùng ngày, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương nói chung cũng như trong vấn đề cải cách hành chính, tinh giản bộ máy nói riêng chưa được thực hiện nhất quán và đây chính là một bất cập trong công cuộc cải cách hành chính.
"Thủ tướng đã rất mạnh mẽ, mạnh dạn phân cấp cho địa phương nhưng một số bộ, ngành lại không mạnh dạn và dường như chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân cấp, phân quyền. Không thể để các bộ, ngành kéo dài tình trạng này được. Vừa rồi QH đã giám sát và nhiều vấn đề đã rõ rồi, tôi cho rằng đây là cơ hội để QH quyết định trong nghị quyết của QH" - bà Quyết Tâm nhấn mạnh.P.Nhung
Chấm dứt thực hiện tự giao biên chế vượt thẩm quyền
Cuối phiên thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vào chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt Chính phủ trao đổi lại về các vấn đề mà ĐBQH nêu ra. Về tinh giản biên chế, ông Tân cho biết trong gần 30.000 CB-CC được tinh giản từ năm 2015 đến tháng 9-2017, chỉ có khoảng 12,5% cán bộ nghỉ ngay, số còn lại là những người cho nghỉ hưu trước tuổi. Về vấn đề thừa cấp phó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết số lượng cấp phó đầu nhiệm nhiệm kỳ 2015-2021 đã giảm tương đối so với đầu nhiệm kỳ 2011-2016. Cụ thể, với cấp thứ trưởng, bình quân đầu nhiệm kỳ trước là 5,55 thì đầu nhiệm kỳ này là 4,7; với cấp phó tổng cục trưởng, đầu nhiệm kỳ trước là 3,22 thì đầu nhiệm kỳ này chỉ còn 3; cấp phó ở các cục, vụ thuộc tổng cục cũng giảm từ 2,31 còn 1,92. Ở địa phương, phó trưởng phòng thuộc sở giảm từ 1,46 còn 1,4 và phó phòng cấp huyện từ 1,73 lên 1,74. Về câu chuyện lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, ông Tân nói do một số nơi có biên chế ít nên mới xảy ra tình trạng như vậy.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ không tăng thêm đầu mối biên chế, chấm dứt việc thực hiện tự giao biên chế vượt số lượng của các cơ quan thẩm quyền. Đồng thời, cũng sẽ cơ cấu lại CB-CC, theo hướng cơ quan nào chưa sử dụng hết biên chế thì sẽ cắt giảm cho phù hợp.V.Duẩn
Bình luận (0)