Đây là tuyến đường huyết mạch nối TP HCM với ĐBSCL. Việc này nhằm kết nối hoàn thiện giao thông giữa TP HCM với các tỉnh khu vực ĐBSCL và đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao.
Theo đó, điểm đầu của đoạn nâng cấp tại Km1924+815 (ranh giới giữa TP HCM và tỉnh Long An), thuộc địa phận tỉnh Long An; điểm cuối tại Km2078+317 (điểm đầu dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, gần ranh giới giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang), thuộc địa phận TP Cần Thơ. Tổng chiều dài tuyến chính 153,5 km. Ban Dự án số 7 kiến nghị chiều dài các đoạn giữ nguyên hiện trạng để khai thác là 82,12 km, chiều dài các đoạn tuyến cần đầu tư tăng cường mặt đường ở dự án này là 71,38 km, trong đó TP HCM tới Long An sửa 5,8 km; Tiền Giang hơn 21 km; Vĩnh Long hơn 30 km và Cần Thơ hơn 14 km. Dự án cũng nâng cấp các tuyến nhánh, đường song hành dài hơn 25 km và đường ở các nút giao, dài gần 10 km có hiện trạng trung bình và xấu.
Quốc lộ 1 đoạn tiếp giáp giữa TP HCM và Long An hiện đang quá tải phương tiện, nhất là trong các dịp lễ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ở đoạn qua Tiền Giang, 6 cây cầu trên tuyến được mở rộng bằng việc xây thêm nhánh bên cầu hiện hữu gồm: Nhị Mỹ, Cai Lậy, Phú Nhuận, Bà Đắc, An Cư và Thông Lưu. Hiện bề rộng các cây cầu này nhỏ hơn mặt đường nên thường ùn tắc. Tổng mức đầu tư dự án là gần 2.200 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 1.400 tỉ đồng, còn lại là phần giải phóng mặt bằng, dự phòng... Công trình dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành năm 2024.
Quốc lộ 1 từ TP HCM đi Cần Thơ được cải tạo, nâng cấp lần đầu giai đoạn 1996-1997; lần 2 từ năm 2003 đến 2010. Do là tuyến huyết mạch có vai trò đặc biệt quan trọng từ miền Bắc, miền Trung, TP HCM về các tỉnh khu vực ĐBSCL, lưu lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách lưu thông rất đông nên hiện nay nhiều đoạn nhanh chóng xuống cấp, nứt chân chim, lún vệt bánh xe, đùn nhựa, một số đoạn xảy ra tình trạng lún từ 2-4 cm, mặt bê- tông nhựa đã lão hóa qua thời gian khai thác…
Bình luận (0)