Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chấp thuận cho mở điểm thi công xây dựng "Công trình cải tạo thí điểm ô vòm đá số 93 đoạn đường dẫn phía Nam cầu Long Biên, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng".
Mở không gian nghệ thuật
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chấp nhận cho Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội - Công ty CP Năng lượng Thủ đô thực hiện công trình cải tạo thí điểm này. Đơn vị thi công được phép đục phá phần đá xây bịt vòm cũ kết hợp gia cố chống đỡ vòm cũ bằng kết cấu khung vòm thép, sử dụng dầm bó ray để gia cường cho đường sắt khu vực vòm đá đường dẫn đường sắt từ nội thành lên cầu Long Biên. Công trình sẽ hoàn thành trước ngày 26-5.
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - cho biết tổng mức đầu tư dự án đục thông vòm cầu không lớn nhưng phức tạp về mặt kỹ thuật vì vừa thi công vừa phải bảo đảm cho tàu chạy ở trên nên phải làm rất cẩn trọng.
Theo đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội (đại diện chủ đầu tư cho UBND quận Hoàn Kiếm), đơn vị thi công đã đục thông thí điểm vòm cầu 93 (khu vực góc phố Gầm Cầu nối Hàng Giấy). Đây là bước tiến hành cơ bản để quận Hoàn Kiếm thực hiện kế hoạch mở rộng không gian văn hóa Phùng Hưng theo chủ trương của UBND TP Hà Nội.
Hà Nội kỳ vọng sau khi đục thông các vòm cầu Phùng Hưng sẽ tạo ra nét mới trong không gian du lịch thủ đô, hấp dẫn du khách
Vòm 93 là vòm đầu tiên trong số 127 vòm cầu dẫn nối ga Hà Nội với cầu Long Biên được đục thông để cụ thể hóa đề án "Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội" của UBND TP.
Ông Đặng Đình Bằng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết khi việc cải tạo thí điểm vòm cầu 93 thành công, Hà Nội sẽ đề xuất thực hiện các vòm cầu tiếp theo. Sau khi đục xong các vòm cầu, theo kế hoạch, khu vực này sẽ trở thành không gian văn hóa mới của quận Hoàn Kiếm.
"Chúng tôi dự định sẽ biến khu vực này thành phố ẩm thực của khu phố cổ. Nơi đây chủ yếu giới thiệu những món ăn đặc sắc của phố cổ Hà Nội, được nhiều người ưa thích. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là điểm đến mới cho người dân và du khách" - ông Bằng bày tỏ.
Tâm điểm du lịch di sản
Theo đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, đục thông và chỉnh trang lại không gian bên trong các vòm cầu Phùng Hưng giúp kiến tạo không gian công cộng, tăng kết nối với các tuyến phố di sản ở phố cổ, đặc biệt là khu vực bích họa Phùng Hưng hiện nay.
Những vòm cầu này sẽ trở thành không gian giới thiệu, quảng bá văn hóa - nghệ thuật, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, ẩm thực. Ở đây cũng có thể sẽ thành một tuyến phố đi bộ mới kết nối với tuyến cũ ở Hàng Đào, Đồng Xuân.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định cầu Long Biên là cây cầu lịch sử, là di sản đô thị, trong nhiều di sản tổng thể của Hà Nội thì cầu Long Biên là một di sản nổi bật. Cây cầu không chỉ có ý nghĩa với Hà Nội mà lịch sử xây dựng và phát triển của nó còn có ý nghĩa trong khu vực và trên thế giới.
"Chúng ta cần đánh thức các tiềm năng di sản này. Sắp tới, các vòm cầu ở phố Phùng Hưng dẫn lên cầu Long Biên sẽ được đục thông, trả lại nguyên bản như xưa" - ông Đức nói và nhấn mạnh qua năm tháng, vì những vòm cầu dẫn đường sắt là vật chất, gắn với lịch sử giá trị văn hóa nên cũng khá lo lắng về vấn đề an toàn khi thông vòm. Vì vậy, cần phải có các cấp ngành chuyên môn vào cuộc nghiên cứu, đánh giá. Khi đã thông được các vòm cầu thì đường dẫn lên cầu Long Biên trở thành những không gian sinh hoạt hấp dẫn nối liền với khu phố cổ. Đó sẽ là một sản phẩm du lịch, điểm đến của du khách và là điểm nhấn du lịch di sản, kiến trúc trong không gian di sản của Hà Nội nói chung.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho rằng khi đã khôi phục lại hiện trạng như xưa của không gian phố Phùng Hưng thì có thể tính toán khôi phục lại những chuyến tàu điện trên đường ray như hiện nay để tăng thêm hấp dẫn cho du lịch Hà Nội. Chắc chắn khi khôi phục những chuyến tàu điện như ngày xưa sẽ thu hút được khách du lịch tham quan, chiêm ngưỡng thủ đô từ trung tâm đi qua cầu Long Biên sang bên Long Biên, Gia Lâm và ngược lại. Điều đó rất đặc biệt và thú vị, như vậy sẽ thành một sản phẩm du lịch, lồng kết với giá trị của di sản đô thị và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến thủ đô.
Theo TS Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), Hà Nội là điểm đến của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Cho nên việc Hà Nội có các chủ trương giữ gìn những di sản truyền thống và phát huy nó là rất đúng đắn. Để phát huy được những giá trị của các di sản truyền thống phải có sự đồng thuận của cả người dân và chính quyền thì mới có thể làm được. Cầu Long Biên là di sản của Hà Nội, có sức hút đặc biệt với khách du lịch nên cần có những giải pháp lâu dài và bền vững để phát huy tiềm năng của di sản này.
Chưa xứng với tiềm năng
Ông Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Không những là thủ đô của Việt Nam mà còn tập trung rất nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, tình hình an ninh chính trị cũng như các di tích, thắng cảnh hay đặc sản ẩm thực, văn hóa - nghệ thuật... thuận lợi cho du lịch phát triển. Tuy vậy, phát triển du lịch của Hà Nội hiện vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế; hiệu quả từ phát triển du lịch còn thấp. Trong thời gian tới, phải kết nối các sản phẩm du lịch sẵn có của TP để hình thành các tour, tuyến du lịch truyền thống, tâm linh, ẩm thực, văn hóa, di tích lịch sử... nhằm khai thác hiệu quả hơn thế mạnh của mình. Du lịch của Hà Nội hiện đã có thương hiệu là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nên phải duy trì, phát triển được thương hiệu này hơn nữa trong tương lai.
Bình luận (0)