Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cả nước hiện có 88 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm.
Nghi ngờ báo cáo doanh thu
Đầu tháng 5-2016, một trong 3 cổ đông trong liên danh nhà đầu tư tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty Cổ phần (Cienco1) cho rằng có thất thoát phí và đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Sau phản ánh của Cienco1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, do Công ty Cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ khai thác và quản lý, từ 18 giờ ngày 10-7-2016 đến 18 giờ ngày 20-7-2016.
Trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp chính thức triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng Ảnh: VETC
Kết quả doanh thu thu phí 10 ngày tại cao tốc này được công bố là 19,85 tỉ đồng, bao gồm doanh thu thu vé lượt 17,5 tỉ đồng; vé tháng của tháng 7 là 1,7 tỉ đồng và vé quý III là 640,7 triệu đồng. Chia bình quân một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được hơn 1,9 tỉ đồng. Con số này cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hằng ngày của các tháng trước đó mà Công ty Cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông, chỉ ở mức 1,2 - 1,4 tỉ đồng/ngày.
Cũng trong năm 2016, 2017, Tổng cục Đường bộ đã tiến hành giám sát đột xuất công tác thu phí tại nhiều trạm BOT, tuy nhiên không phát hiện chênh lệch nhiều về doanh thu thu phí tại các trạm.
Chiều 2-1, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng ngày 30-12-2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (gọi tắt là Thông tư 49). "Những chênh lệch trong báo cáo doanh thu ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là khi chưa có Thông tư 49" - ông Huyện giải thích.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thông tư 49 quy định trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phí phải công khai tổng mức đầu tư của dự án, tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm thu phí tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề. Ngoài ra, Thông tư 49 cũng quy định đơn vị thu phí có trách nhiệm không để xảy ra các hành vi gian lận phí dịch vụ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu phí. Không được can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu.
Lách luật để trục lợi!
Trả lời về việc có chuyên gia cho rằng doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị thu phí có thể dùng phần mềm để can thiệp, điều chỉnh số lượng xe thực tế qua trạm, từ đó làm sai lệch trong báo cáo doanh thu, sai lệch dữ liệu báo cáo cơ quan có thẩm quyền, ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh: "Những đối tượng bị điều chỉnh bởi Thông tư 49 mà làm trái quy định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết toàn bộ 28 dự án BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đều đã áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí. Đối với một số dự án BOT ở các tuyến cao tốc, hiện cũng đang xúc tiến để triển khai lắp đặt. "Việc triển khai thu phí không dừng ngoài tăng cường giám sát về thu phí thì chủ yếu là tăng tiện ích cho người tham gia giao thông. Còn việc giám sát doanh thu, quy định tại Thông tư 49 đã đáp ứng được yêu cầu" - ông Huyện khẳng định.
Liên quan đến những lùm xùm trong thu phí BOT giao thông, theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, những hệ lụy của ngày hôm nay xuất phát từ việc triển khai đầu tư nhiều dự án không minh bạch. Nhiều chủ đầu tư tìm mọi cách lách luật kiếm lợi nhuận.
"Làm BOT là một chủ trương đúng nhưng quá trình triển khai có nhiều vấn đề, thiếu minh bạch. Thậm chí có cả nhóm lợi ích riêng trong đó. Vì vậy, cần phải truy cho ra nhóm lợi ích riêng đó rồi xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự "một vài ông", bất kể là ai, đã nghỉ hưu hay chưa, để răn đe, nếu không sẽ không bao giờ giải quyết được những bất cập" - ông Liên bày tỏ.
Chưa có kế hoạch thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết sau khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh hết thời hạn thu phí theo hợp đồng vào ngày 31-12-2018, Tổng cục Đường bộ đã tiếp nhận quản lý, khai thác đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Kể từ 0 giờ ngày 1-1-2019, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ tạm dừng thu phí để nâng cấp trạm và xây dựng phương án báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Chưa thể nói bao giờ thu, thu thế nào và thu trong bao lâu.
"Nhà nước không thất thu ngân sách liên quan đến hoạt động thu phí BOT của dự án này vì đã bán trọn gói quyền thu phí có thời hạn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh. Doanh nghiệp này đã chuyển đủ tiền mua quyền thu phí cho nhà nước" - ông Huyện nói.
Dễ dàng gian lận phần mềm thu phí BOT
Các chuyên gia công nghệ cho biết không quá khó để có thể gian lận thu phí BOT bằng phần mềm và chỉ cần cấu kết với nhau can thiệp, chỉnh sửa là có thể dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng.
Một chuyên gia lập trình phần mềm tại TP HCM nhận định: "Các phần mềm gian lận thu phí BOT chính xác là không có bán sẵn trên thị trường. Nên có 2 phương án để có thể gian lận thu phí BOT: Thuê người hiểu về lập trình phần mềm bên ngoài về chỉnh sửa lại hệ thống có sẵn và chính người trong nội bộ trạm thu phí, công ty đảm nhiệm việc thu phí có kiến thức về phần mềm chỉnh sửa để gian lận".
Theo chuyên gia này, trong vụ gian lận mà báo chí đăng tải vừa qua ở tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, có khả năng do chính người trong nội bộ chỉnh sửa phần mềm. Việc chỉnh sửa này có thể thực hiện ở nhiều khâu rất dễ dàng. Cụ thể, có thể chỉnh sửa giảm số lượng xe đã được thu phí trên phần mềm ghi nhận, chẳng hạn như 100.000 xe đã qua trạm và đã được thu phí thì giảm số lượng xuống chỉ còn 50.000 xe, để từ đó chỉnh sửa tổng số tiền thu được giảm xuống tương ứng với số lượng xe đã bị điều chỉnh giảm. Hoặc có thể chỉnh sửa báo cáo doanh thu cuối cùng trên hệ thống máy tính thấp hơn so với thực tế để gian lận doanh thu tổng.
Việc chỉnh sửa các số liệu như vậy không khó, bởi chính người trong nội bộ công ty thu phí hiểu rõ nhất các khâu thu phí, tính toán doanh thu… Việc cơ quan chức năng trong thời gian dài không phát hiện được lại càng khó hiểu. Hoặc có thể với cách kiểm tra qua loa thì không thể thấy được các chỉnh sửa trên phần mềm, hệ thống máy tính.
Ch.Trung
Bình luận (0)