Hai tháng nay - từ ngày con đường Liên tổ 4- 5 trước nhà được bê-tông hóa, bà Nguyễn Thị Cúc (ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM) dù bận rộn hơn vì phải bỏ công chăm sóc hàng hoa mười giờ dọc đoạn đường trước nhà nhưng lại vô cùng phấn khởi.
Thoát cảnh "mưa lầy, nắng bụi"
"Không vui, không phấn khởi sao được khi con đường dẫn vào xóm dân cư đông đúc cả chục năm nay phải chịu cảnh mưa lầy, nắng bụi nay được đổ bê-tông sạch sẽ, tươm tất. Đường đẹp, chúng tôi rủ nhau trồng hoa mười giờ dọc đường khiến con đường càng tràn đầy sức sống" - bà Cúc cười tươi nói.
Từ khi đường làm xong, bà con trong xóm rủ nhau ra đường tập thể dục, người đi bộ, người chạy xe đạp, trẻ con cũng ríu rít chạy theo sau. Chị Nguyễn Kim Hoàng (người dân ấp 3) vui mừng kể: "Khi những mẻ bê-tông đầu tiên đổ xuống, cả đêm đó nhiều người như tôi không ngủ được, cứ chạy ra công trường. Con đường vừa làm xong, cả xóm cúng heo ăn mừng, vui hơn Tết".
Đến xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh với hàng chục con đường dẫn vào các khu dân cư tự phát, đa số đường không có cống thoát nước, nhếch nhác, lầy lội mỗi khi mưa xuống. Từ năm 2019 đến nay, nhiều con đường được nâng cấp, lắp đặt cống thoát nước.
Con đường ở tổ 6, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A được UBND xã cho tráng bê-tông, lắp đặt cống thoát nước
Giữa trưa nắng gắt, anh Nguyễn Văn Hưởng (tổ 6, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A) vẫn cần mẫn tưới nước cho khóm hoa mười giờ, hoa móng tay trên đoạn đường gần nhà. Anh khoe: "Hoa tôi trồng để ăn mừng khi con đường được tráng bê-tông. Trước đây, cứ mùa mưa đến, con đường đất lầy lội, người dân phải thay nhau đổ đá dăm nhưng không thấm vào đâu. Vài tháng trước con đường được UBND xã cho tráng bê-tông, lắp đặt cống thoát nước, bà con vui mừng khôn xiết".
Cách đó không xa, con đường tổ 12, ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A dài 250 m cũng được nâng cấp bằng bê-tông, trồng cây xanh 2 bên đường.
Rời huyện Bình Chánh, chúng tôi đến huyện Hóc Môn cũng chứng kiến hàng loạt con đường đang được đào xới để lắp đặt cống thoát nước, làm vỉa hè, như đường Thống Nhất, xã Xuân Thới Đông; đường XTS 22C (đường Xuân Thới Sơn 22C), xã Xuân Thới Sơn; các tuyến đường XTT 4, XTT 2, XTT 1- 21, xã Xuân Thới Thượng cũng đang thi công lắp đặt cống thoát nước.
Ngồi trước nhà ngắm công trình đang thi công, lão nông Nguyễn Văn Được (72 tuổi, xã Xuân Thới Thượng) gật gù nói: "Dù con đường XTT 4 đã được trải nhựa nhiều năm trước nhưng chưa lắp đặt cống thoát nước nên mưa lớn vẫn ngập cục bộ một số đoạn. Nay con đường được lắp đặt cống thoát nước với ống lớn, bà con phấn khởi lắm, ai nấy đều đấu nối ống thoát nước trong nhà ra hệ thống cống của đường".
Tiếp tục nhân rộng
Về kế hoạch nâng cấp hàng loạt con đường nông thôn, ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết các công trình phần lớn nằm trong Đề án Nâng chất nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn xã. Ngoài 18 tuyến đường giao thông và thủy lợi đã được nâng cấp, cuối tháng 11 này sẽ có thêm 6 tuyến đường, chủ yếu đường đất, đá dăm được bê-tông hóa và lắp đặt cống thoát nước.
Ngoài ra, UBND xã Vĩnh Lộc A cũng đề xuất UBND huyện Bình Chánh trình UBND TP duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, lắp đặt cống thoát nước cho 15 tuyến đường nông thôn mới chưa lắp đặt cống thoát nước trong giai đoạn 2010-2015.
"Vĩnh Lộc A là xã đô thị hóa nhanh, diện tích 2.000 ha với hơn 130.000 người dân sinh sống, giao thông chủ yếu là đường nông thôn, chưa được đầu tư hệ thống cống thoát nước, làm vỉa hè nên các tuyến đường thường xuyên ngập, lầy lội mỗi khi mưa lớn. Do đó việc nâng cấp hàng loạt tuyến đường sẽ giúp xây dựng, đấu nối hệ thống thoát nước đồng bộ hơn, giảm tình trạng ngập do mưa, nâng chất lượng đời sống cho người dân ngoại thành. Sau khi nâng cấp, để các tuyến đường, UBND xã cùng ban nhân dân các ấp vận động người dân trồng hoa, cây xanh ven đường và được người dân ủng hộ rất nhiệt tình" - ông Trần Vũ Hữu Duy nói.
Tương tự, theo ông Lê Đình Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, thời gian qua, UBND xã đã khởi công và hoàn thành 9/9 công trình nông thôn mới do xã làm chủ đầu tư. Ngoài ra, thi công lắp đặt cống thoát nước, bê-tông hóa 20 tuyến hẻm theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm với kinh phí người dân đóng góp gần 2 tỉ đồng như các tuyến XTT 8-3, XTT 26-3, XTT 14A… Việc nâng cấp các tuyến đường, tuyến hẻm không chỉ giải quyết tình trạng ngập nước, chỉnh trang đô thị mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân khi việc buôn bán, cho thuê mặt bằng thuận tiện hơn.
Xóa những "con đường đau khổ"
Thống kê của Phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn, thời gian qua có khoảng 90 công trình đường giao thông được nâng cấp trên toàn huyện theo Đề án Nâng chất nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 nhằm giải quyết ngập úng, giảm ô nhiễm môi trường, kết nối hệ thống giao thông, thoát nước, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị trong khu vực. Để phát huy hiệu quả các công trình giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025, huyện Hóc Môn đề xuất được bố trí nguồn vốn để thực hiện 94 công trình tương tự.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh, giai đoạn 2021- 2025, huyện đề xuất đầu tư 61 công trình các loại, trong đó nâng cấp, mở rộng khoảng 30 công trình; đầu tư xây dựng mới 31 công trình. Tổng chiều dài đầu tư khoảng 86 km, bao gồm 45 km nâng cấp và 41 km xây dựng mới. Mục tiêu việc nâng cấp nhằm giải quyết tình trạng ngập do mưa, hạn chế ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông trên nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, chưa có cống thoát nước.
Bình luận (0)