Theo thống kê của UBND TP HCM, từ ngày 1-5 đến 30-9, thành phố có 23 công chức, 179 viên chức thôi việc.
Bốn nguyên nhân chính
UBND TP HCM nhìn nhận yếu tố chính tác động đến việc CB-CCVC thôi việc là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc; tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống; văn hóa công sở.
Đề án mà Sở Nội vụ đang xây dựng hướng tới nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực để CB-CCVC an tâm công tác .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong đó, chế độ tiền lương theo quy định chung của trung ương hiện nay đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh thực hiện chế độ tiền lương theo quy định hiện hành, TP HCM còn triển khai chi thu nhập tăng thêm cho CB-CCVC căn cứ vào kết quả đánh giá thực hiện nhiệm vụ hằng quý nhằm cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, các chính sách đãi ngộ hiện tại chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như tạo động lực cho cán bộ an tâm làm việc, cống hiến.
Mặt khác, cơ chế bổ nhiệm hiện nay chưa tạo điều kiện cho các nhân tố trẻ phát huy hết tiềm năng và cơ hội phát triển. Quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy và biên chế giảm cũng khiến việc cất nhắc, đề bạt cán bộ trẻ khó khăn hơn. Song song đó là tình trạng quá tải công việc, đặc biệt là sau dịch COVID-19 và việc chưa có cơ chế, quy định pháp lý để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung...
Tạo động lực bằng chính sách
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Huỳnh Thanh Nhân cho biết để "giữ chân", cũng như kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CB-CCVC, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp.
Hồi tháng 10-2023, thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng của các cơ quan. Đây là dịp để lãnh đạo Thành ủy - UBND thành phố đối thoại, lắng nghe những ý kiến đóng góp của đội ngũ lãnh đạo cấp phòng, từ đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tiếp tục động viên, khích lệ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của CB-CCVC.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, thành phố đang nghiên cứu Đề án xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030. "Đây là Đề án tổng thể về nền công vụ của thành phố, không chỉ nhằm kéo giảm tỉ lệ nghỉ việc, tạo động lực và giữ chân CB-CCVC an tâm công tác trong hệ thống chính trị mà còn hướng tới xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần kiến tạo phát triển thành phố trong thời gian tới" - Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.
Ông Nhân cho biết nội dung trọng tâm của Đề án sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Đó là nhóm giải pháp về định hướng phát triển nền công vụ và công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho CB-CCVC hướng tới mục tiêu, tôn chỉ của nền công vụ là "phụng sự nhân dân" và "kiến tạo phát triển". Hai là nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức, bộ máy gắn với tổ chức chính quyền đô thị. Ba là nhóm giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố ngang tầm nhiệm vụ với những giải pháp thành phần. Từ nâng cao chất lượng tuyển dụng đến đánh giá năng lực thực chất hơn; thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm phát hiện, lựa chọn cán bộ có năng lực; có chính sách đãi ngộ về thu nhập và nhà ở hấp dẫn, tạo động lực và khuyến khích, tôn vinh khen thưởng cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; nâng cao chất lượng văn hóa công sở... Bốn là nhóm giải pháp hiện đại hóa nền công vụ bao gồm đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực công gắn với thí điểm mô hình làm việc không cần có mặt trực tiếp tại cơ quan.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết qua hội nghị gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng của các cơ quan thành phố, có 3 nhóm tâm tư chính từ phía đội ngũ cán bộ. Đó là nhóm liên quan thực hiện chức năng nhiệm vụ. Thứ hai, liên quan đến quy trình, quy định phân công, giao việc, hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp giữa các phòng, các sở với nhau. Cuối cùng là những tâm tư về chính sách mà nổi lên nhiều nhất là thu nhập và nhà ở.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết qua hội nghị trên, một đề nghị được đưa ra là lãnh đạo TP HCM gặp gỡ thường xuyên và có động viên, khen thưởng. "Thành phố sẽ nghiên cứu, tính toán lâu dài, bài bản về vấn đề này. Hiện tại, chúng tôi cũng nghĩ đến việc tổ chức một giải thưởng cho CB-CCVC hoặc các hình thức tôn vinh tương xứng" - ông Phan Văn Mãi nói.
Nhiều cách khắc phục
Y tế là một trong những lĩnh vực ghi nhận CB-CCVC thôi việc nhiều nhất. Thống kê của Sở Y tế trong gần 8 tháng đầu năm nay có 547 viên chức y tế xin nghỉ. Theo Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam, viên chức nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau như áp lực công việc cao, không bảo đảm sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19, muốn thay đổi môi trường làm việc, mức thu nhập thấp so với nơi làm việc khác...
"Trước thực trạng trên, ngành y tế thành phố đã kịp thời nắm bắt, tổng hợp tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc" - ông Nam thông tin.
Tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, tuy từ đầu năm đến nay trên địa bàn không có CB-CCVC nào nghỉ việc nhưng ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, cho biết công việc của cán bộ, công chức cơ sở rất áp lực, nhiều người tâm tư. "Anh em cũng có tâm tư. Lãnh đạo các cấp đã kịp thời động viên, chia sẻ nên đã giữ chân được đội ngũ CB-CCVC" - ông Ngân cho biết.
Được biết, để thay thế 23 công chức, 179 viên chức thôi việc, thành phố tuyển dụng thêm 64 công chức và 781 viên chức. Đến nay, với nhiều giải pháp, "làn sóng" thôi việc trong đội ngũ CB-CCVC ở thành phố ngưng.
Bình luận (0)