Chiều 20-4, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Tiền Giang cùng nhiều cơ quan, đơn vị liên quan đã có buổi làm việc nhằm bàn biện pháp tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), đạt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2020.
Hàng loạt đầu việc đã triển khai
Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết sau khi dự án được bàn giao cho UBND tỉnh Tiền Giang ngày 22-3, nhà đầu tư đã thực hiện hàng loạt đầu việc để tiếp tục triển khai dự án như bàn giao hiện trạng, tổ chức đại hội cổ đông để thống nhất các giải pháp và huy động tối đa các nguồn lực. Riêng các hồ sơ điều chỉnh, bổ sung giải pháp kỹ thuật nhằm đẩy nhanh tiến độ, doanh nghiệp cũng đang nhanh chóng hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng mời các cơ quan như kiểm toán, thuế, công an,… kiểm tra toàn diện dự án. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, có nhiều công việc đang chờ ý kiến từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Tiền Giang: Các biểu mẫu điều chỉnh hợp đồng BOT, dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi... Nhà đầu tư cũng đã trình UBND tỉnh Tiền Giang dự thảo phụ lục hợp đồng BOT nhưng chưa nhận được ý kiến.
Tại các gói thầu dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, không khí thi công đang khẩn trương
Thi công ngay mới kịp!
Tại buổi làm việc, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (một trong những liên danh nhà đầu tư dự án), cho biết để bảo đảm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến vào năm 2020, hàng loạt vấn đề phải nhanh chóng giải quyết.
Cụ thể, Bộ GTVT phải nhanh chóng thống nhất lại tổng mức đầu tư, dự toán các gói thầu xây lắp áp dụng giá vật tư, vật liệu theo báo giá của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành. Trong thời gian chờ ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh lựa chọn nhà thầu, doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ GTVT không áp dụng các quy định không phù hợp trong hợp đồng trước đây; thống nhất chủ trương sử dụng các con đường địa phương hiện hữu và sẽ hoàn trả sau khi hoàn thành dự án bổ sung, từ đó làm cơ sở đưa vào hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.
Mặt khác, nhà đầu tư cũng kiến nghị Bộ GTVT nhanh chóng chấp thuận các biểu mẫu (điều chỉnh hợp đồng BOT, quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi...) để thống nhất áp dụng cho dự án.
Riêng đối với UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư kiến nghị tỉnh báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét phương án ứng trước nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án từ nguồn vốn ngân sách địa phương (do Chính phủ đã cam kết sẽ hỗ trợ trước cho dự án 500 tỉ đồng/2.158 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2016-2020); đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với các ngân hàng tài trợ vốn, trước mắt cho vay tín dụng ngắn hạn để nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cần thống nhất các mốc tiến độ thực hiện liên quan đến trách nhiệm của địa phương, ngân hàng, nhà đầu tư và nhà thầu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt tổng tiến độ điều chỉnh bảo đảm việc thông tuyến vào cuối năm 2020.
Ông Hoàng cho biết dù dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý và chưa được giải ngân vốn nhưng chủ đầu tư cũng đã triển khai thi công để kịp tiến độ. Dù vậy, ông Hoàng khẳng định dự án có đúng tiến độ hay không phụ thuộc vào việc thu xếp nguồn vốn, đặc biệt là sự phối hợp tổ chức điều hành, giám sát, thi công cần có sự chia sẻ của UBND tỉnh Tiền Giang.
Cần giải ngân ngay 500 tỉ đồng
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, hiện tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án đạt 98% khối lượng và phần còn lại sẽ gấp rút được bàn giao. Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp với nhà đầu tư khảo sát các tuyến đường công vụ, hệ thống tập kết vật tư cũng như sớm hoàn thành đơn giá vật liệu hợp lý.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về tỉnh Tiền Giang vẫn chưa hoàn tất thủ tục nên việc tiếp cận nguồn vốn chưa thể thực hiện. Đây là "nút thắt" của dự án và nguồn vốn 500 tỉ đồng (trong số 2.186 tỉ đồng nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư) nếu không được giải ngân kịp thời sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho dự án.
Bình luận (0)