Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa ký văn bản đề xuất Thủ tướng về phương án đặt ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (Metro số 2).
Phối cảnh ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo
UBND TP Hà Nội cho biết đến nay TP đã xem xét hơn 10 phương án về thiết kế hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9 (khu vực hồ Hoàn Kiếm) của tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo.
Đến ngày 22-2-2022, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến của các bộ ngành liên quan và Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội về 3 phương án bố trí ga ngầm C9.
Trong đó, phương án 1 là đặt ga ngầm C9 ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm. Theo phương án này, Ga ngầm C9 được thiết kế xếp chồng 4 tầng, có 2 cửa lên xuống, kết cấu thân ga trùng với ranh giới vùng bảo vệ II, dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m. Một phần ke ga và thân ga nằm trong đường cong bán kính R=800 m, bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội.
Phương án 2 là giữ nguyên phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt từ năm 2017. Ga ngầm C9 được thiết kế đồng mức 3 tầng, có 4 cửa lên xuống, thân ga dài 150 m, rộng 24 m, sâu 20 m, nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm (trước cổng Tổng công ty điện lực Hà Nội). Phần chính thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II di tích hồ Hoàn Kiếm.
Phương án 3 là bỏ ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai.
UBND TP Hà Nội cho hay trên cơ sở góp ý của các bộ ngành: Tư pháp, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Xây dựng và Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất phương án bố trí ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm theo phương án 1 để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Phương án này sẽ bố trí 2 lối lên xuống số 1, 2 ở vị trí như phương án đề xuất ban đầu. Bên cạnh đó, để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, thông gió (cao 13 m) và phòng máy phát điện, UBND TP Hà Nội cho rằng cần phải mở rộng diện tích của công trình phụ trợ của ga ngầm C9 tại phần đất của Tổng công ty điện lực Hà Nội lên 705 m2, tăng 260 m2 so với phương án đề xuất ban đầu. Đồng thời lấy thêm 25 m2 đất của UBND TP để bảo đảm thi công.
UBND TP Hà Nội cho biết phương án này có ưu điểm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận (H1-1B), quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; bảo đảm tính khả thi về kỹ thuật, công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hoá, giải quyết được các kiến nghị của Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là việc điều chỉnh thiết kế ga ngầm C9 sẽ làm tăng thêm chi phí xây dựng khoảng 500 tỉ đồng, tăng thêm chi phí vận hành bảo dưỡng và kém thuận lợi cho hành khách.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ ngành, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 theo phương án 1, làm cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Metro số 2.
Dự án đường sắt đô thị số 2 tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2008, dài 11,5 km, tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó, tổng mức đầu tư dự kiến được điều chỉnh lên 35.679 tỉ đồng, tăng hơn 16.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)