Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng sau 5 năm triển khai đã đội vốn lên tới 8.104 tỉ đồng. Đã được rót vốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng dự án "đắp chiếu" từ năm 2013 đến nay.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu Công ty Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt) đã cung cấp máy móc, thiết bị có sai khác so với hồ sơ mời thầu, dự thầu và hợp đồng với giá trị lên tới gần 39 triệu USD.
Nhiều loại thiết bị, máy móc nhà thầu Trung Quốc nhập về để thực hiện dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên có sai khác so với hợp đồng
Trong kết luận thanh tra vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các loại thiết bị máy móc do MCC cung cấp có sai khác về chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, thông số kỹ thuật, trọng tải.
Cụ thể, 42 chiếc ôtô có giá trị thanh toán hơn 1,03 triệu USD (chưa tính thuế nhập khẩu) đều có sai khác về tải trọng giữa hồ sơ TISCO xin đăng ký, đăng kiểm với kết quả kiểm tra của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Lô hàng ôtô này có các thông số kỹ thuật không phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam.
Đối chiếu theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, 42 xe ôtô nói trên không được phép tham gia giao thông đường bộ nhưng TISCO đã gửi công văn tới Cục Đăng kiểm Việt Nam xin sử dụng 42 ôtô này chỉ phục vụ dự án, không tham gia giao thông công cộng.
Trước đề xuất của TISCO, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đối với lô xe ôtô này. Tất cả 42 giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đều ghi chú lô xe này chỉ được hoạt động trong phạm vi hẹp.
Bên cạnh đó, nhà thầu MCC cũng nhập 5 đầu máy toa xe trị giá hơn 5 triệu USD có sai khác về thông số, tải trọng. Cục Đăng kiểm đã thông báo với TISCO việc có 2 đầu máy không được phép hoạt động trên mạng đường sắt quốc gia. TISCO tiếp tục đề nghị cho 2 đầu máy được hoạt động trong phạm vi nội bộ và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, nhà thầu Trung Quốc còn nhập khẩu các máy móc, thiết bị với tổng giá trị hơn 31,5 triệu USD có sai khác về mã hiệu, thông số kỹ thuật như: Máy móc thuộc hạng mục nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép, nhà máy Cốc Hóa, hạng mục Thêu kết, hạng mục Oxy...
Mặc dù nhà thầu nhập lô hàng có giá trị lớn sai với hợp đồng ban đầu nhưng TISCO không yêu cầu tái xuất, phạt vi phạm, giảm trừ khi thanh toán mà còn làm các thủ tục để tiếp nhận. Cơ quan thanh tra khẳng định để xảy ra các khuyết điểm, sai phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý dự án và cán bộ có liên quan thuộc TISCO.
Bình luận (0)