Ngày 22-8, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH-ÐT) tỉnh Bình Dương, cho biết vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh hơn 8.900 tỉ đồng, phân bổ cho 316 dự án. Ðến ngày 31-7, tỉnh mới giải ngân được gần 2.953 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 33,1%. So với trung bình, vốn đầu tư công ở các dự án giao thông trọng điểm có cao hơn (giải ngân hơn 40%) nhưng vẫn thấp.
Áp lực giải ngân lớn
Ông Phạm Trọng Nhân cho hay theo kế hoạch năm 2022, địa phương sẽ bố trí vốn đầu tư công cho 24 dự án giao thông trọng điểm với tổng số vốn hơn 837 tỉ đồng, gồm 4 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước bố trí 187 tỉ đồng, 3 dự án đang thực hiện thủ tục thiết kế bản vẽ thi công dự toán là 216 tỉ đồng, 9 dự án dự kiến khởi công mới trong năm gần 374 tỉ đồng và 8 dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Trong đó, các dự án đạt tiến độ giải ngân khá gồm xây dựng cầu bắc qua sông Ðồng Nai (cầu Bạch Ðằng 2), xây dựng cầu vượt sông Ðồng Nai, dự án tuyến đường trục chính Ðông - Tây đoạn từ Quốc lộ 1A (Bến xe Miền Ðông mới đến giáp Quốc lộ 1K), dự án xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Ðồng Phú thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng... Trong khi đó, các dự án như xây dựng đường từ Tân Thành đến cầu Tam Lập (thuộc tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng) chỉ giải ngân được 0,4%, dự án đường từ Huỳnh Văn Lũy đến đường Ðồng Cây Viết (đường Liên khu 1-5) đạt 4,8%... Cá biệt, dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa) số tiền giải ngân là 0%... "Theo kế hoạch, các dự án trên phải khởi công hay hoàn thành vào năm 2022 nên áp lực giải ngân vốn công là rất lớn" - Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết.
Tương tự, ở Ðồng Nai, theo thống kê của Sở KH-ÐT tỉnh này, đến đầu tháng 8-2022, giải ngân vốn đầu tư công của Ðồng Nai mới đạt gần 4.900 tỉ đồng, tương ứng với 34,5% kế hoạch. "Năm 2022, tổng vốn đầu tư công Ðồng Nai được phân bổ là hơn 14.100 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương gần 4.700 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 9.400 tỉ đồng. Như vậy, hơn 4 tháng còn lại của năm, các địa phương và đơn vị trên địa bàn tỉnh phải giải ngân thêm gần 61% nữa mới hoàn thành kế hoạch năm. Ðiều này cho thấy áp lực giải ngân vốn công là rất lớn" - đại diện lãnh đạo Sở KH-ÐT tỉnh Ðồng Nai nhấn mạnh.
Chỉ rõ nguyên nhân
Nêu nguyên nhân tỉ lệ giải ngân vốn công thấp, Sở KH-ÐT tỉnh Ðồng Nai cho rằng do vướng ở khâu hồ sơ thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng, thiếu kế hoạch sử dụng đất và đặc biệt giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Cụ thể, nhiều dự án khởi công mới năm 2022 do chậm hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và hoàn thiện hồ sơ để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công nên giải ngân vốn còn thấp. Trong bồi thường giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án gặp khó khăn vì thiếu đơn vị thẩm định giá, chưa có giá bồi thường cây trồng trên đất, nhiều người dân chưa đồng tình với giá bồi thường vì cho rằng giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, các hộ gia đình đề xuất bố trí nơi tái định cư rồi mới nhận bồi thường... Trong khi đó, nguồn vốn bố trí có gần một nửa dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án.
Ở Bình Dương, nêu nguyên nhân tỉ lệ giải ngân vốn công ở các dự án giao thông trọng điểm vẫn còn thấp, ông Phạm Trọng Nhân cho rằng do đây là các dự án giao thông trọng điểm nên phần lớn không có kế hoạch điều chuyển vốn mà cần tập trung quyết liệt thực hiện kế hoạch vốn được giao từ đầu năm, đồng thời khẳng định việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. "Có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm, có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm như giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để... Ðặc biệt, năm 2022, có những nguyên nhân rất đặc thù như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá..." - Giám đốc Sở KH-ÐT tỉnh Bình Dương phân tích.
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát thực tế dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Chạy nước rút
Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án giao thông trọng điểm, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp để chạy nước rút trong giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. "Phải coi việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn và tỉnh Bình Dương đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế" - ông Võ Văn Minh nói.
Tại Ðồng Nai, để đẩy nhanh giải ngân vốn công, không chỉ sở - ngành mà nhiều địa phương trong tỉnh yêu cầu tỉnh phải có giải pháp chế tài để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công. Để nguồn vốn giải ngân đúng kế hoạch, chủ đầu tư phải xác định tiến độ, lộ trình, thời gian cụ thể với từng khâu của dự án, từ đó đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu và lập hồ sơ thanh toán. Lúc này, việc của các sở, ngành, địa phương là kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng, xử lý kịp thời các khiếu nại, tạo sự đồng thuận trong dân.
Trong cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Võ Tấn Ðức yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn cấp huyện, kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công và nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình phải xử lý thật nghiêm.
Xây hàng loạt khu tái định cư
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ðồng Nai, hiện tỉnh này đang khẩn trương triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường Vành đai 3 TP HCM để bảo đảm bàn giao 70% mặt bằng 2 dự án trước ngày 30-6-2023.
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, cho biết ở dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tính toán sẽ phải thực hiện tái định cư cho hơn 2.700 hộ dân. Tương tự, dự án đường Vành đai 3 TP HCM đi qua tỉnh Đồng Nai dài 11 km, tỉnh sẽ phải thực hiện bố trí tái định cư cho 100 hộ dân. Áp lực về tiến độ rất lớn, đặc biệt đối với công tác giải phóng mặt bằng vì đây là công việc khó. Do đó, các đơn vị, địa phương liên quan phải hết sức quyết tâm mới có thể hoàn thành.
Là địa phương có dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua, theo ông Lê Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành, địa phương này sẽ xây dựng 2 khu tái định cư. Trong đó, khu tái định cư tại xã Long Ðức hiện đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, còn khu tái định cư tại xã Long Phước cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, lãnh đạo UBND TP Biên Hòa cho hay đang hoàn thiện các thủ tục để đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng khu tái định cư ở phường Phước Tân (49 ha) và phường Tam Phước (13 ha) để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất liên quan dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Riêng dự án đường Vành đai 3 TP HCM, theo UBND huyện Nhơn Trạch, các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án sẽ được bố trí tái định cư ở 2 khu tái định cư tại xã Phú Hội và Phước An. "Hiện các cơ quan chức năng của địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng 2 khu tái định cư này" - ông Nguyễn Thế Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng nhấn mạnh 2 dự án trên là những dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh. "Tỉnh dự kiến có khoảng 2.843 hộ dân cần bố trí tái định cư, gần bằng một nửa của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Vì vậy, tỉnh Ðồng Nai đã thành lập các ban chỉ đạo để thực hiện 2 dự án trên và cũng đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân" - ông Cao Tiến Dũng yêu cầu.
Bình luận (0)