Giai đoạn 2021-2022 và 2022-2025 chỉ cấm các loại phương tiện này lưu thông trong nội thành và một số đoạn tuyến quốc lộ, xa lộ theo những khung giờ cụ thể.
Quy định mới này của ngành giao thông vận tải (GTVT) TP HCM lẽ ra sẽ chẳng có gì đáng bàn, song nếu biết từ năm 2013 lệnh cấm lưu thông loại phương tiện kể trên từng được ban bố thì sẽ thấy việc dùng dằng như vậy thể hiện sự thiếu quyết tâm của cơ quan quản lý.
Nguyên nhân chính, theo lý giải của Sở GTVT thành phố, là cũng vì sinh kế của một bộ phận người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nếu cấm hẳn thì rất nhiều gia đình sẽ mất "cần câu cơm".
Về tình, đó là quyết định có tính nhân văn. Về lý, cụ thể là nếu lấy hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành xã hội làm thước đo thì việc gia hạn chưa thật thuyết phục. Nghĩ đến "nồi cơm" của một bộ phận hộ khó khăn thì cũng phải nghĩ đến an toàn giao thông, đến sức khỏe và tính mạng của bao người trong xã hội!
Cấm đoán có nên là giải pháp cuối cùng chưa, hay là vẫn còn cách làm phù hợp để loại phương tiện này được tồn tại?
Từ 8 năm trước, song song với lộ trình cấm từng bước thì thành phố còn có chính sách hỗ trợ tiền để người dân mưu sinh bằng xe thô sơ, xe 3-4 bánh tự chế chuyển đổi nghề nghiệp, vậy nhưng sau khi được nhận tiền, nhiều người trong số đó vẫn tiếp tục với nghề cũ. Nay kéo dài đến sau năm 2025 thì lấy gì đoan chắc những người kiếm sống bằng xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh sẽ chuyển đổi nghề.
Thế thì giải pháp khả thi trong thời gian "chờ", từ nay đến năm 2025 là gì?
Trước hết, cần ghi nhận sự cơ động, thuận tiện của xe 3-4 bánh đối với không gian đô thị, như TP HCM, hiện nay. Trong rất nhiều trường hợp, chỉ có loại xe này giải quyết được. Điều kiện đường sá ở thành phố cho phép sự tồn tại của loại xe này, đáp ứng nhu cầu vận chuyển thường nhật của đời sống thị dân. Cái gì có lý thì cái đó tồn tại!
Tiếp theo, phải trả lời cho được nếu TP HCM ngưng cấp phép cho loại xe này trong khi các tỉnh lân cận vẫn cấp phép thì có ngăn chặn được lượng xe đăng ký ở các tỉnh rồi đưa vào thành phố hoạt động hay không? Hiện xe mang biển số tỉnh "5 không" (không đèn, không còi, không kiếng chiếu hậu, không giấy tờ, không bảo đảm an toàn) lưu thông ở TP HCM khá nhiều.
Thêm nữa, TP HCM hiện không thiếu các đơn vị cơ khí thừa sức đóng mới phương tiện cơ giới 3-4 bánh bảo đảm hợp chuẩn, hợp quy, hợp pháp. Các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan chỉ việc đưa ra tiêu chuẩn và đặt hàng đóng mới, người dân có nhu cầu mưu sinh bằng phương tiện này thì liên hệ mua, chuyển đổi và đăng ký lưu hành. Tất cả đều theo một tiêu chuẩn kỹ thuật, tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Làm như vậy thì xe "mù", xe "5 không" sẽ bị thải loại, người dân có thể kiếm sống bằng phương tiện hợp pháp của mình và bảo đảm an toàn giao thông cho cộng đồng.
Tất cả việc khó đều có thể tìm được lời giải bằng quyết tâm và thực lực.
Bình luận (0)