Sau đợt gió mùa Đông Bắc kéo dài, mọi người đang tập thể dục buổi sáng tại Công viên Đồng Mỹ (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đưa mắt nhìn ra cửa sông Nhật Lệ, bởi tại cửa sông khu cầu cảng của Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Nhật Lệ vừa có khoảng 50 chiếc tàu loại dài dưới 24 m đang neo đậu chật kín cả khúc sông.
Bảo đảm an toàn
Chúng tôi leo lên mặt bằng cầu cảng và hòa trong đoàn ngư dân từ dưới các tàu vừa lên. Trong diện tích mặt sàn cầu cảng khoảng 50 m2 ở đây, có 20 người cùng các bàn làm việc phục vụ việc kiểm tra, đo nhiệt độ, hướng dẫn ngư dân khai báo y tế và test nhanh nên khá chật chội.
Cán bộ Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Nhật Lệ hướng dẫn ngư dân thực hiện biện pháp phòng chống dịch
Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, cán bộ Trạm Kiểm soát cầu cảng, cầm loa kêu gọi các ngư dân hãy từ từ lên cầu cảng để bảo đảm độ giãn cách thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Dù tiếng anh đã khản nhưng trên cửa sông, các tàu vẫn tiến vào và ngư dân từ các tàu lần lượt lên bến cầu cảng.
Chị Hoàng Thị Thanh Hải, cán bộ Trung tâm Y tế TP Đồng Hới - Tổ phó Tổ Phòng chống dịch Covid-19 cửa sông Nhật Lệ, phải dừng lại việc rà soát tên trong bảng danh sách các đội tàu để yêu cầu ngư dân giãn ra, bảo đảm giữ đúng khoảng cách.
Mọi việc đâu vào đấy, chị Hải quay lại với chúng tôi, vồn vã: "Ngay từ 3 giờ, chúng em đã đón và làm đủ mọi thủ tục về y tế cho 400 ngư dân đi tàu ra khơi đánh bắt cá bảo đảm an toàn. Đã liên tục hơn 3 giờ rồi mà vẫn còn đông thế này thì mọi người sẽ vất vả hơn nhưng chúng em vui vì được phục vụ giúp bà con ngư dân bảo đảm an toàn trong mùa dịch Covid-19".
Chủ tàu Hoàng Viết Quảng (ngụ thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) nhỏ nhẹ: "Mấy ngày rồi biển động, sóng to dữ dội, chúng em đành neo đậu tàu ở nhà. Nay sóng biển có phần dịu đi, tàu chúng em tranh thủ ra khơi đánh cá. Tết đến nơi rồi, cũng phải tranh thủ lo cho gia đình chút ít vui xuân".
Rồi Quảng tiếp: "Vì đợt này trên thôn của em có nhiều trường hợp là F0, F1 phải cách ly nên tàu chúng em chỉ còn 7 người nhưng ai cũng quyết tâm làm tròn công việc của 10 người, phải đánh bắt cá mới có tiền trả khoản vay ngân hàng. Nhất là mấy tháng qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống ngư dân vì thế càng gặp nhiều khó khăn anh ạ".
Thượng úy Phan Duy Khánh, Trạm trưởng Kiểm soát Đồn Biên phòng Nhật Lệ, niềm nở căn dặn anh Quảng: "Nhờ bác nói với mọi người sáng nay tích cực hợp tác với cán bộ y tế để bà con mình được sớm ra khơi đánh cá. Mọi người nên giữ đúng khoảng cách bảo đảm an toàn để khỏi bị lây nhiễm Covid-19. Nhất là hiện nay ở các thôn Đồng Dương, Sa Động, Trung Bính, Hà Thôn... của xã Bảo Ninh này đang thuộc "vùng cam" phải thực hiện giãn cách xã hội".
Kiên trì bám trụ
Trung tá Hồ Đức Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhật Lệ, cho chúng tôi biết thực hiện Quyết định số 3018/QĐ-UBND ngày 20-9-2021 của UBND tỉnh Quảng Bình, Tổ Kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 khu vực cửa sông Nhật Lệ được thành lập với biên chế 6 cán bộ, nhân viên y tế; 3 người thuộc lực lượng quản lý tàu cá của ngành thủy sản và 9 người của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Tàu thuyền được lực lượng của Tổ Kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 hướng dẫn vào cầu cảng ở cửa sông Nhật Lệ để ngư dân thực hiện các biện pháp phòng dịch
Để thực thi nhiệm vụ, tổ chia làm 3 ca trực trong ngày. Ca thứ nhất trực từ 14 giờ đến 20 giờ. Ca thứ 2 từ 20 giờ đến 6 giờ hôm sau. Ca thứ 3 từ 6 giờ đến 14 giờ. Mỗi ca trực gồm 6 người, trong trong đó có 2 người của y tế, 1 người của quản lý tàu cá và 3 người của Bộ đội Biên phòng.
Với biên chế này, các lực lượng thực thi nhiệm vụ riêng theo chức năng của ngành, đơn vị mình. Cán bộ y tế có nhiệm vụ lấy kê khai y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngư dân, ghi danh sách, đo thân nhiệt, lấy mẫu để test nhanh. Cán bộ quản lý tàu cá thì lập danh sách tàu thuyền ra, vào cửa biển theo nhiều loại: đánh cá gần bờ, đánh cá vùng lộng, đánh cá vùng khơi; tàu thuyền ngoại tỉnh; tàu thuyền đánh cá ở các ngư trường...
Người của Bộ đội Biên phòng thì chủ trì, điều hành hoạt động của tổ theo nhiệm vụ được phân công và chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng. Kiểm tra, kiểm danh, kiểm diện đối với thủ tục giấy tờ, người, phương tiện bảo đảm theo quy định của pháp luật và các quy định về an toàn tàu cá; kiểm chứng, giải quyết cho người và tàu thuyền xuất, nhập bến. Duy trì an ninh trật tự, phân luồng neo đậu cho tàu thuyền và hướng dẫn tàu thuyền đến các vị trí chỉ định để tiến hành các biện pháp y tế về phòng chống dịch. Trực tiếp ngăn chặn, xử lý các trường hợp không chấp hành kiểm tra, kiểm soát, vi phạm các quy định của pháp luật, vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Thông báo, cung cấp thông tin liên quan cho việc đổi tàu, thuyền viên cho các địa phương và lực lượng chức năng liên quan nơi tàu dự kiến đến, giúp cơ quan nơi có tàu, thuyền viên đến có căn cứ để giám sát y tế. Tổng hợp số liệu báo cáo theo quy định.
Thượng úy Phan Duy Khánh cho biết Đồn Biên phòng Nhật Lệ trực tiếp quản lý 216 tàu dài từ 15 m trở lên, trong đó có 110 tàu dài dưới 24 m. Những ngày thời tiết tốt, sóng yên, biển lặng thì bình quân có khoảng 120 lượt tàu thuyền ra biển khai thác hải sản, trong đó có khoảng 30 lượt tàu khai thác vùng khơi, vùng lộng; khoảng 90 tàu thuyền nhỏ khai thác vùng ven bờ.
Ý thức của ngư dân ngày càng cao
Khi đi vào hoạt động, Tổ Kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn do ban đầu điều kiện ăn ở trong lều bạt chật hẹp. Những đêm mưa gió to, lều bạt bị sập, anh chị em ướt sũng. Mỗi lần đến ca trực phải leo thang cao lên bến cầu cảng. Dù vậy, mọi người vẫn vui vẻ và kiên trì bám trụ.
Nay thì nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, điều kiện sinh hoạt của tổ đã tốt hơn rất nhiều. Lều bạt được thay bằng nhà tạm lợp tôn và đang triển khai làm lại cầu ra bến cảng. Việc cải thiện điều kiện ăn ở đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn động viên giúp anh chị em luôn bảo đảm túc trực 24 giờ/24 giờ để thực thi nhiệm vụ tuyên truyền cho ngư dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhờ đó, ý thức của ngư dân ngày càng cao, không có trường hợp F1 đi tàu cá để khai thác thủy sản.
Cán bộ y tế của Tổ Kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 đo thân nhiệt, hướng dẫn ngư dân khai báo y tế
Chị Hoàng Thị Thanh Hải tươi cười: "Hơn 2 tháng được cùng các anh Bộ đội Biên phòng giữ chốt, canh giữ cầu cảng, kiểm soát việc ngư dân đánh bắt trên biển, chúng tôi thấy nhiệm vụ này có nhiều khó khăn, vất vả nhưng vinh dự. Vì vậy, ai cũng luôn vui vẻ, lạc quan. 18 anh chị em bám trụ ở cầu cảng này 24/24 giờ, không quản nắng, mưa, rét cùng đồng tâm hiệp lực khắc phục khó khăn để bảo đảm an toàn cho ngư dân ra khơi đánh bắt cá".
Vốn dân miền biển, tôi biết ngư dân thường hay theo dõi và nắm chắc các con sóng biển để cho tàu, thuyền ra khơi đánh bắt cá, cũng như kịp thời vào bờ khi có giông bão.
Nay đến với các anh Đồn Biên phòng Nhật Lệ, tôi càng hiểu thêm không những ngư dân theo chân sóng biển, mà các anh - những chiến sĩ biên phòng - ngày đêm còn túc trực để kiểm soát tàu thuyền; nắm bắt việc đánh cá ở các ngư trường để phân luồng, phân tuyến và kêu gọi tàu thuyền hoặc cứu hộ tàu thuyền khi gặp sự cố, nhằm bảo đảm an toàn cho ngư dân. Việc làm của các anh tuy thầm lặng nhưng bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho ngư dân, thật trân trọng.
Gió thổi mạnh, những ngọn sóng biển nối nhau ào ạt vỗ vào bờ, tung lên cát trắng xóa. Mưa ngày càng nặng hạt, cái rét dần len lỏi vào da, thịt, cũng là lúc tôi chào tạm biệt các anh. Nhìn ra cửa sông Nhật Lệ, những đoàn tàu nối nhau như đoàn quân diễu hành trùng trùng kéo ra biển lớn. Lòng tôi ấm áp lạ thường.
Bảo vệ tài sản
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con ngư dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương; không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt, khai thác hải sản trái phép; không sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc hại đánh bắt thủy hải sản; đoàn kết, giúp đỡ nhau trên biển, chú trọng thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt, tự giác kiểm tra hệ thống máy móc, trang thiết bị an toàn hàng hải trước khi ra biển.
Mỗi khi có bão hay áp thấp nhiệt đới, đơn vị kịp thời sử dụng nhiều kênh thông tin liên lạc để thông báo tình hình cho tàu thuyền của ngư dân đang hoạt động trên biển Đông; kịp thời kêu gọi tàu thuyền vào bờ và hướng dẫn neo đậu an toàn, nên đã giúp ngư dân bảo vệ được tài sản.
Bình luận (0)