Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, ngày 20-3 cho biết việc Hà Nội làm giao thông công cộng như đường sắt trên cao mục đích không phải triệt tiêu phương tiện khác mà là để hạn chế phương tiện cá nhân, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân.
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông dự kiến vận hành trong thời gian ngắn tới - Ảnh: Ngô Nhung
"Tôi chưa bao giờ phát ngôn là dự án tuyến đường sắt trên cao 2A Cát Linh-Hà Đông đầu tháng 4 sẽ đi vào hoạt động, tôi khẳng định đầu tháng 4 này chưa thể hoạt động được. Dự kiến là cuối tháng 4 tuyến tàu điện trên cao đầu tiên của Hà Nội sẽ vận hành. Chúng tôi là bên nhận, lúc nào cũng sẵn sàng vận hành tuyến đường sắt nhưng bây giờ hỏi nhà vợ không cho nhận cô dâu thì cưới kiểu gì?" - ông Trường nói.
Ông Trường cho biết giá vé của tuyến đường sắt 2A sẽ được tính theo hướng cự ly, giá ở cửa 7.000 đồng + đơn giá 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Giá vé đi 1 lượt được làm tròn hàng ngàn đồng. Theo đó, giá vé từ ga 1 đến ga 2, ga 1 đến ga 3: 8.000 đồng/người/lượt; từ ga 1 đến ga 4: 9.000 đồng/người/lượt; từ ga 1 đến ga 12 (ga cuối): 15.000 đồng/người/lượt... Vé tháng có 2 loại: loại bình thường: 200.000 đồng; loại ưu tiên (yêu cầu có ảnh): 100.000 đồng. Thời gian sử dụng vé là 30 ngày, tính từ thời điểm thanh toán. Vé ngày: giá vé 30.000 đồng/ngày, không hạn chế số lượt đi, được tính từ thời điểm mua đến thời điểm đóng tuyến trong ngày.
Tàu trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong một lần chạy thử - Ảnh: Ngô Nhung
TP Hà Nội sẽ miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi. Mức hỗ trợ 50% giá vé tháng được áp dụng với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người cao tuổi. Mức hỗ trợ 30% giá vé tháng áp dụng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Ngoài ra, trong 15 ngày đầu khai thác vận hành thương mại tuyến, toàn bộ hành khách sẽ được miễn phí.
Ông Trường cho rằng chưa nơi nào khó làm giao thông đô thị như ở Hà Nội và TP HCM.
Nói về hiệu quả của tuyến đường sắt 2A, ông Trường phân tích rằng người dân không nên chỉ xét thuần túy hiệu quả tài chính, mà nên xét trên hiệu quả công, hiệu quả kinh tế tổng hợp. Tất cả các dự án đầu tư vào hạ tầng, nhất là đường sắt đô thị như tuyến Cát Linh-Hà Đông là dự án đầu tư vào lĩnh vực công ích nên "nếu như đứng trên góc độ hiệu quả tài chính là rất thấp".
Cũng nói về hiệu quả của tuyến buýt nhanh (BRT) của Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho biết: "Tương tự như tuyến đường sắt, đánh giá hiệu quả của dự án BRT cũng cần nhìn nhận trên góc độ xã hội, góc độ công cộng chứ không nên hoàn toàn đánh giá trên góc độ về mặt tài chính. Tỉ lệ người sử dụng BRT theo khảo sát là đang tăng lên, công chức và nhân viên văn phòng đi là rất cao. Nhiều người bỏ phương tiện cá nhân để đi BRT, trật tự giao tham gia giao thông cũng thay đổi. Như vậy đã thay đổi được phần nào thói quen tham gia giao thông của người Hà Nội. Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất tăng khả năng dịch vụ của tuyến BRT này để đáp ứng nhu cầu của người dân được tốt hơn".
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD, trong đó vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.
Tuyến BRT của Hà Nội với chiều dài 14,7 km, bắt đầu từ Bến xe Yên Nghĩa và kết thúc tại Bến xe Kim Mã. Dự án với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Dự án được sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với thời gian thực hiện là từ quý IV/2007 đến năm 2010. Tuy nhiên, trên thực tế, đến năm 2013, dự án mới được chủ đầu tư khởi công, chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và đến cuối năm 2016 mới được đưa vào hoạt động.
Bình luận (0)