Những ngày qua, giá lúa gạo liên tục tăng giúp nông dân ở vựa lúa lớn nhất cả nước vui ra mặt.
Khả năng thành công rất lớn
Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), vụ lúa hè thu năm nay, toàn vùng ĐBSCL xuống giống khoảng 1,5 triệu ha.
Tính đến cuối tháng 5, ĐBSCL đã xuống giống được 1,3 triệu ha và một số nơi đã thu hoạch với năng suất đạt 61 tạ/ha (cao hơn 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước). Đến cuối vụ, nếu giữ được mức năng suất này sẽ là thành công rất lớn, bởi trong kế hoạch, dự kiến năng suất chỉ đạt khoảng 57 tạ/ha.
Hiện giá lúa trong nước khá cao do xuất khẩu thuận lợi, tăng từ 200-300 đồng/kg cách đây 1 tháng và tăng từ 800- 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019. Tại Kiên Giang, giá lúa IR50404 ở mức 5.800-5.900 đồng/kg, lúa OM 6976 từ 6.500- 6.800 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa hạt dài ướt 5.900 đồng/kg, lúa khô được thu mua 6.200 đồng/kg.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa bán cho thương lái Ảnh: NGỌC TRINH
Tại TP Cần Thơ, vụ hè thu địa phương này xuống giống hơn 75.000 ha và đã thu hoạch được 50% diện tích với năng suất gần 59 tạ/ha. "Năm nay lúa hè thu được giá. Tại Cần Thơ, giá lúa tăng 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019" - ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết.
Năm nay, do hạn gay gắt, nông dân tốn nhiều chi phí bơm tưới nước nhưng do được nhà nước hỗ trợ giá điện nên tổng chi phí sản xuất vụ hè thu tương đương mọi năm.
Hiện Cần Thơ đang bước vào thu hoạch rộ, giá lúa tươi trong tuần ổn định so với tuần trước, giống IR50404 được thương lái thu mua từ 5.100-5.200 đồng/kg, các giống OM 5.000-5.600 đồng/kg. Tuy nhiên, phần lớn nông dân đã nhận tiền đặt cọc trước đó để bán với giá chỉ từ 5.000-5.100 đồng/kg.
Bảo đảm có lợi nhuận
Ông Lâm Văn Trọng (ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) rất phấn khởi vì vừa bán lúa cho thương lái với giá khá cao: "Tôi vừa thu hoạch 10 công lúa IR 50404, bán với giá 5.200 đồng/kg, thu lãi 2 triệu đồng/công".
Ông Lê Văn Lam (ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cũng cho biết hơn 5 ha ruộng lúa của gia đình ông đang ở giai đoạn chuẩn bị trổ bông. Trong khi đó, toàn bộ sản lượng thu hoạch từ vụ trước đã bán sạch với giá khoảng 5.200 đồng/kg. Về lý thuyết, với giá lúa như thế thì nông dân bảo đảm có lợi nhuận nhưng vẫn không cao. Nếu trừ hết các khoản chi phí từ khâu mua giống, vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì nông dân đạt lợi nhuận khoảng vài trăm đồng/kg.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa bán cho thương lái Ảnh: NGỌC TRINH
"Có một điều hết sức nghịch lý là mỗi khi nông dân chuẩn bị gieo sạ vụ mùa kế tiếp thì xuất hiện thông tin cho rằng giá lúa đang tăng như để kích thích nông dân chúng tôi có thêm động lực đầu tư. Thế nhưng, đến khi lúa bắt đầu thu hoạch hoặc thu hoạch rộ thì thương lái và doanh nghiệp tìm mọi cách để khống chế giá mua lúa cho dù tình hình xuất khẩu gạo có chuyển biến tốt. Trong khi đó, chúng tôi là nông dân hoặc HTX nông nghiệp rất cần nguồn vốn đầu tư kho bãi dự trữ hàng hóa để chờ giá thích hợp đem ra bán thì không bao giờ được ai nhắc tới" - ông Lam phân tích.
Cũng theo lão nông ở vùng Đồng Tháp Mười này, khoảng 15 ngày trước khi thu hoạch lúa sẽ có thương lái đến hỏi han về giá cả rồi sau đó đặt tiền cọc khoảng 5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thương lái sẵn sàng bỏ số tiền đặt cọc này nếu như thị trường xuất khẩu gạo có dấu hiệu bất ổn hoặc không thuận lợi. Do đó, người trồng lúa luôn trong thế "kèo dưới" vì không có quyền đưa ra giá cả đối với sản phẩm mình làm ra.
Tín hiệu khả quan
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh An Giang xuống giống vượt kế hoạch đề ra với 231.000 ha lúa. Ở một số khu vực như huyện miền núi Tri Tôn xuống giống sớm thì nông dân đã thu hoạch được hơn 10.000 ha lúa với năng suất bình quân khoảng 5,6 tấn/ha. Giá lúa hiện đang giữ mức ổn định khoảng 5.600 đồng/kg.
"Trong vụ đông xuân vừa qua cũng như tình hình giá lúa hiện tại, những nông dân có diện tích lúa thu hoạch sớm đều rất phấn khởi. Đặc biệt những nông dân có lúa thu hoạch vào thời điểm này đều có lợi nhuận cao hơn những vụ trước. Tình hình xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khả quan nên có thể nông dân sẽ bán được lúa với giá cao hơn nữa" - ông Lâm kỳ vọng.
Giá gạo xuất khẩu tăng 21,4%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 ước đạt 789.000 tấn, với giá trị 415 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 2,9 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,41 tỉ USD (tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2019).
Còn theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo đã tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1-5. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo trong tháng 5 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, đạt bình quân 527 USD/tấn (tăng 21,4% so cùng kỳ năm 2019). Tính chung trong 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng 13% so cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.
Bộ Công Thương đánh giá Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan - nước xuất khẩu gạo số 2 thế giới, về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay. Lý do là nước này sụt giảm mạnh về xuất khẩu gạo trong các tháng đầu năm. Theo công bố của Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 1,387 tỉ USD, giảm 32,1% về lượng và 15,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), lý giải nguyên nhân xuất khẩu gạo thành công 5 tháng đầu năm là nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 và trúng mùa lúa gạo.
Trong khi đó, ở Ấn Độ và Thái Lan, Covid-19 tác động mạnh đến chuỗi cung ứng (thiếu lao động để bốc xếp, nhiều cảng đóng cửa...) nên các nhà nhập khẩu tìm đến Việt Nam, đẩy giá gạo Việt Nam tăng. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo với giá tốt. Về phía nông dân, giữa lúc các loại nông sản khác không bán được, người dân đẩy mạnh trồng lúa để tận dụng giá cao là hợp lý.
Về khả năng Việt Nam có thể vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo trong năm 2020, ông Bích cho rằng khó xảy ra. Nguyên nhân là Việt Nam chỉ có từ 6,7-7 triệu tấn gạo để xuất khẩu trong năm nay, gạo sản xuất ra bán ngay, tồn kho ít; trong khi đó, ở Thái Lan gạo tồn kho rất lớn, hằng năm xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn nên khả năng "xả hàng" vào cuối năm rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho biết trong tháng 5, DN này ký được nhiều hợp đồng tốt về số lượng lẫn giá cả nên hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao. "Năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao không chỉ do bối cảnh đặc biệt của dịch Covid-19 mà do nhiều DN đã đầu tư vào nghiên cứu thị trường tại nước nhập khẩu, phát triển thương hiệu từ 2-3 năm trước. Nhiều DN đã cùng nhà nhập khẩu xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết. Lúc đó, DN phải bán hàng chất lượng cao, giá thấp lấy thị trường. Đến nay, DN chúng tôi đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo đóng túi 1 kg, 2 kg, 5 kg chứ không chỉ bán gạo xá bao 50 kg" - ông Thành thông tin.
Cũng theo ông Thành, đối với việc xây dựng thương hiệu cần có sự đầu tư dài hạn. DN phải chấp nhận lỗ trong thời gian đầu nên chủ yếu DN tư nhân, chủ DN tự chịu trách nhiệm thực hiện, còn các DN nhà nước khó hơn do lo ngại bị thanh tra, kiểm tra nếu để DN bị lỗ. Về dự báo xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Thành cho rằng phụ thuộc nhiều vào chất lượng lúa gạo vụ hè thu. Năm nay bị hạn mặn nên sản lượng không tăng hoặc giảm nhẹ nhưng giá bán sẽ không bằng vụ đông xuân.
Ngọc Ánh
Bình luận (0)