Đại diện cho cơ quan soạn thảo dự án Luật Quy hoạch cho biết như vậy tại phiên thảo luận ngày 25-10 của Quốc hội (QH) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án này.
Như vậy là kể cả kỳ họp này, QH đã cho ý kiến đến lần thứ 3 đối với dự án Luật Quy hoạch. Nhưng dù đã có sự tiếp thu, chỉnh lý sau 2 lần trước thì đến lần này dự thảo vẫn gặp quá nhiều băn khoăn ngay chính từ các đại biểu (ĐB) QH.
Chỉ nói riêng về việc dự án này ảnh hưởng thế nào đến các luật khác, có ĐB cho biết về số lượng các luật cần sửa đổi theo danh mục là 32 nhưng qua rà soát phải có khoảng 50 dự án luật cần sửa liên quan. ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) dẫn ra việc giải cứu lợn vừa qua để minh chứng cho sự băn khoăn về tính khả thi của dự án, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta phấn đấu nền kinh tế thị trường mà làm thế này tức là quy hoạch kinh tế thị trường. Luật này vẫn mang tính kế hoạch tập trung, đều do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổng quản. Đây là câu chuyện QH cần phải nghiên cứu".
Còn nhiều băn khoăn liên quan đến dự án được các ĐB đưa ra, thậm chí tranh luận cả về tính khả thi do dự thảo quy định hiệu lực thi hành luật này là từ ngày 1-1-2019. Với quỹ thời gian chỉ hơn 16 tháng từ khi luật dự kiến thông qua cho đến khi thi hành nhưng phải sửa đổi 32 luật, trong khi phần lớn các nội dung luật này chưa có trong dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018.
Sức ép thời gian đang là một thách thức, bởi việc quy hoạch, kể cả tầm quốc gia lẫn địa phương, ngành… đều đang rất "nóng". Phải quyết gấp vì thiếu sự điều chỉnh chặt chẽ của một luật quan trọng như Luật Quy hoạch thì không thể tránh khỏi những sự tự phát về quy hoạch gây nhiều hệ quả về sau. Nhưng quyết gấp mà không chặt chẽ thì có khi hậu quả sẽ khó lường, làm sao để tránh tình trạng vừa làm đường xong lại đào lên đặt ống nước nước, cáp điện lực.. như nhiều ĐB ví von; thậm chí là khó ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ xảy ra trong công tác quy hoạch như lo lắng mà các ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ. Cho nên, cử tri rất mong chờ ở sự nỗ lực xem xét và cân nhắc từ mỗi ĐBQH.
Những băn khoăn về tính khả thi đối với nội dung của dự thảo luật này tiếp tục cho thấy rõ thêm thực trạng về năng lực xây dựng luật ở nước ta. Đấy không phải chỉ là sự chậm trễ so với đòi hỏi của thực tiễn mà còn là sự chồng chéo ở nhiều góc độ lẫn những hạn chế về phạm vi điều chỉnh và khả năng bao quát vấn đề. Mà để khắc khục, như phân tích của nhiều chuyên gia pháp lý, thì chỉ có thể kỳ vọng khi việc soạn thảo không phụ thuộc vào cơ quan chuyên ngành mà là nhiệm vụ một cơ quan chuyên trách xây dựng luật thuộc QH.
Bình luận (0)