Ngày 2-12, sau khi đọc loạt bài "Gia hạn tồn tại xe thô sơ 3-4 bánh: Nặng về cảm tính!) trên Báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Phan Kiều Thanh Hương cho rằng nhìn ở góc độ xã hội thì không nên "khai tử" xe thô sơ 3-4 bánh khi chưa tạo điều kiện chuyển đổi phương tiện cho người dân.
Nhu cầu có thật và khó thay thế
Bà Phan Kiều Thanh Hương khẳng định nhu cầu sử dụng xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh là có thật. Bởi loại phương tiện này có tính cơ động cao và thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng trên các tuyến đường nhỏ, đường hẻm, đường cấm ôtô tải lưu thông... Nhất là khi đô thị TP HCM có nhiều tuyến đường nhỏ, hẻm nhỏ. Hơn nữa, đây cũng là phương tiện mưu sinh của một bộ phận người lao động, nhất là người lao động thu nhập thấp.
Xe 3 bánh là nhu cầu có thật và rất cao đối với đô thị vốn có nhiều tuyến đường nhỏ, hẻm nhỏ như TP HCM .Ảnh: THU HỒNG
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực trạng là phương tiện này lưu thông chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị; nhiều xe tự chế không bảo đảm chắc chắn, gây nguy hiểm cho người sử dụng. "Do đó, cá nhân tôi ủng hộ việc giữ lại xe thô sơ 3-4 bánh nhưng ngay bây giờ, TP HCM giao cho đơn vị chuyên ngành nghiên cứu, chế tạo một chiếc xe bảo đảm về mặt kỹ thuật như những gì các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị đã đề xuất" - bà Phan Kiều Thanh Hương nêu quan điểm.
Trong khi đó, trưa cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối Thủ Đức cũng như những người chuyên đi lấy hàng ở chợ này cho rằng khi CSGT TP HCM tăng cường kiểm tra xe 3 bánh, xe thô sơ 3-4 bánh tự chế cũng là lúc họ gặp rối. "Lượng hàng khoảng 200-300 kg, nếu kêu xe 3 bánh chở đoạn đường 10 km chỉ tầm khoảng 150.000 đồng, trong khi nếu chở bằng xe tải nhỏ thì giá gấp đôi, gấp ba" - chị Huỳnh Kim Hải, tiểu thương chuyên lấy hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức về quận Bình Thạnh so sánh. Vì lẽ đó, rạng sáng cùng ngày, để tiết kiệm chi phí, chị phải huy động con gái để 2 mẹ con lên 2 xe máy đi nhận hàng. "Mệt bở hơi tai. Nếu kéo dài chắc sức khỏe không trụ được" - chị Hải chia sẻ. Vì vậy, dù không phải là người trực tiếp hành nghề chạy xe 3 bánh nhưng chị Hải lại mong chờ chính quyền TP HCM làm thật sớm và thật nhanh đề xuất của các chuyên gia. Đó là bắt tay ngay vào việc chọn một đơn vị uy tín đóng xe 3- bánh đạt chuẩn để những người thực sự có nhu cầu mua hoặc chuyển đổi phương tiện cho phù hợp.
Còn anh Thanh (nhân vật trong bài viết "Gia hạn tồn tại xe thô sơ 3-4 bánh: Nỗi lo đã thành hiện thực", đăng ngày 2-12) khẳng định sẽ rất khó có thể "khai tử" xe 3 bánh, bởi không loại xe nào có thể thay thế loại xe này để chở những mặt hàng như rau củ quả, thịt cá từ chợ đầu mối về điểm buôn bán tại gia của tiểu thương. "Khi tiểu thương không có xe 3 bánh hay xe thô sơ 3-4 bánh tự chế để vận chuyển thì chắc chắn họ sẽ chuyển sang vận chuyển bằng xe máy, chứ không thể đủ tiền thuê ôtô. Như vậy, càng mất mỹ quan và càng nguy hiểm hơn với hình ảnh xe máy chất đầy rau củ, thịt cá" - anh Thanh bình luận. Vì vậy, theo anh Thanh, đã đến lúc TP HCM không thể chần chừ trong việc tạo ra một sản phẩm xe 3-4 bánh đạt chuẩn, hợp túi tiền.
Đã có kế hoạch đặt hàng
Lý giải việc chưa "khai tử" các phương tiện xe 3-4 bánh có giấy tờ sau 2025 theo lộ trình đã có trước đây, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Vận tải Đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho rằng vì nhu cầu thực tế sử dụng phương tiện này là có nên nếu dừng hẳn sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người thu nhập thấp… "Do đó, thời gian tới, cần thiết phải có sự đánh giá tổng thể tình hình hoạt động để đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ người dân. Đồng thời, phải có ý kiến của nhiều sở, ngành liên quan nhằm triển khai đồng bộ, nhất quán" - ông Đỗ Ngọc Hải nêu hướng giải quyết.
Ông Đỗ Ngọc Hải nhắc lại đề xuất vừa qua của Sở GTVT cũng nêu rõ chỉ chấp thuận cho phương tiện 3-4 bánh có giấy đăng ký xe được hoạt động và chỉ hoạt động ngoài vành đai của trung tâm, theo khung giờ nhất định theo Quyết định 08/2013 của UBND thành phố. Như vậy, sẽ có 2 nhóm phương tiện được hoạt động gồm ôtô 4 bánh thí điểm có biển số 50TĐ và xe 3 bánh có giấy đăng ký xe hợp pháp. Riêng xe không có giấy tờ hợp pháp thì cấm hoàn toàn (trừ một số trường hợp như thương, bệnh binh dùng phương tiện này để di chuyển).
Vì sao nhiều phương tiện không giấy tờ dù đã cấm hoạt động nhưng vẫn lưu thông trên đường? Ông Đỗ Ngọc Hải cho rằng có nhiều nguyên nhân, như việc xử lý vi phạm đối với loại phương tiện này chưa nghiêm, chưa triệt để, phương tiện thay thế chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Ngoài ra, người sử dụng phương tiện đa số có thu nhập thấp, trình độ văn hóa không cao dẫn đến ý thức chấp hành còn hạn chế. Và do cuộc sống mưu sinh, vẫn còn trường hợp tiếp tục sử dụng phương tiện này để chở vật liệu, hàng hóa… "Chính vì lẽ đó, song song với việc cho hoạt động đối với các phương tiện có giấy tờ thì Sở GTVT đề xuất Công an thành phố, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường xử phạt, kiên quyết thu hồi các phương tiện không hợp quy, hợp pháp. Ngoài ra, các địa phương cần xử lý nghiêm, rút giấy phép các cơ sở tự đóng, lắp ráp loại xe 3-4 bánh này. Mục đích nhằm chấn chỉnh hoạt động của các loại xe tự chế hoạt động trên địa bàn thành phố, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường" - trưởng Phòng Vận tải Đường bộ Sở GTVT TP HCM nhấn mạnh.
Khi được hỏi về nhu cầu sử dụng xe 3-4 bánh rất cao, trong khi lượng xe có giấy tờ hợp pháp rất ít, vậy đánh giá thế nào về đề xuất tập trung chuyển đổi phương tiện bằng cách tạo ra loại xe 3-4 bánh hợp chuẩn, hợp quy, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết không chỉ mới đây mà từ năm 2020, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tìm hiểu và đề xuất loại phương tiện thay thế xe thô sơ 3-4 bánh, xe chở rác nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Hiện nay, đã có một số đơn vị trong nước sản xuất phương tiện tương thích nhưng giá thành cao nên người dân chưa thể chuyển đổi.
Cũng theo trưởng Phòng Vận tải Đường bộ Sở GTVT TP HCM, tháng 4-2021, Sở GTVT đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM khảo sát, đánh giá nhu cầu xã hội, tác động xã hội đối với người sử dụng phương tiện này, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Nếu được chấp thuận thì Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM sẽ thực hiện và đề xuất lộ trình thay thế, chính sách chuyển đổi phương tiện…
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-12
Mới có mẫu xe sức chở 1 tấn
Ông Đặng Quế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí ôtô chuyên dùng An Lạc (thuộc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - SAMCO), cho biết từ năm 2019 khi thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp SAMCO nghiên cứu đóng 1 phương tiện thay thế xe 3-4 bánh chở rác gây ô nhiễm môi trường thì SAMCO đã cho ra đời 2 mẫu xe, sức chở 1 tấn, giá từ 370 triệu đến 450 triệu đồng/chiếc.
Trở lại chuyện chuyển đổi phương tiện xe 3-4 bánh hiện nay, theo ông Đặng Quế Hùng, rất phù hợp với định hướng phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh. Mẫu xe 4 bánh với sức chở nhỏ, có thể len lỏi trong các con hẻm, thì SAMCO đã có 2 dòng xe dùng để thay thế xe rác đã từng triển khai như trên. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là giá thành cao, gấp mấy lần xe 3 bánh tự đóng thì liệu người dân có tham gia? Còn thiết kế mẫu xe nhỏ hơn, giá thành rẻ hơn thì SAMCO hiện không có.
Bình luận (0)