Với nông nghiệp, sự giải phóng đó được thể hiện qua chính sách Khoán 10 để nông dân được làm chủ mảnh ruộng của mình, từ đó có động lực làm việc. Nhờ đó, từ một nước đói ăn, Việt Nam trở thành cường quốc trong xuất khẩu gạo chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Với khối sản xuất và dịch vụ, sự giải phóng đó thể hiện trong việc sử dụng lao động giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài trong những ngành nghề thâm dụng lao động như gia công, đóng giày, dệt may, lắp ráp..., từ đó tạo ra những chuyển biến mới trong đời sống kinh tế, không chỉ ở khối doanh nghiệp FDI mà còn khối doanh nghiệp tư nhân và một phần ở khối doanh nghiệp nhà nước (với biểu hiện dễ thấy nhất là giải thể hàng loạt doanh nghiệp nhà nước vì hoạt động không hiệu quả).
Chính sự giải phóng sức lao động này đã giúp chúng ta gượng đứng dậy sau một cuộc chiến dài và tàn khốc. Nếu không có nó hoặc chỉ chậm 5 năm thôi, rất có thể chúng ta đã quỵ ngã.
Tuy nhiên, sự giải phóng này chỉ là giải phóng sức lao động cơ bắp. Từ chỗ không có cơ hội để làm việc trong thời kỳ bao cấp, chính sách "Đổi mới" đã cho phép người dân có cơ hội và động lực để làm việc, chủ yếu qua hình thức lao động giản đơn, đổ mồ hôi để gia công, tạo ra rất ít giá trị, ở phân khúc rất thấp.
Nay sau 30 năm bán sức lao động, nguồn lực này đã dần đi vào cạn kiệt. Giá lao động tăng làm cho việc cạnh tranh bằng lao động giá rẻ không còn là ưu thế trong việc thu hút đầu tư và không còn là lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế nữa.
Như vậy, việc giải phóng cơ bắp để tạo động lực phát triển trong 30 năm qua đã chạm đến giới hạn. Nếu tiếp tục đi theo con đường này, chúng ta sẽ vào ngõ cụt.
Muốn thoát khỏi ngõ cụt bán sức lao động giản đơn để phát triển, chúng ta phải chuyển sang một con đường khác. Ở đó, thay vì giải phóng sức lao động, điều quan trọng và có vai trò quyết định hơn, là giải phóng sức sáng tạo.
Không may khi chiến tranh và những bùng nhùng trong nhận thức đã làm chúng ta lỡ chuyến tàu công nghiệp 3.0. Nhưng lần này, dường như có một chút may mắn khi những điều kiện cơ bản vừa tạm hội đủ và sức mạnh cơ bắp vừa chạm đến giới hạn thì chuyến tàu 4.0 kéo còi vào bến.
Vì thế, có thể nói sự phát triển của Việt Nam trong 30 năm tới phụ thuộc chủ yếu vào việc sức sáng tạo của toàn dân có được giải phóng hay không.
Làm sao để giải phóng sức sáng tạo?
Một là, đổi mới cơ chế quản trị quốc gia. Cơ chế hiện thời được sinh ra để kiểm soát. Điều gì không kiểm soát được thì cấm đoán. Cấm đoán không được thì trừng phạt. Hệ thống hành chính, hiện hình của cơ chế quản trị quốc gia, trở thành một hệ thống "hành là chính" thay vì một hệ thống hỗ trợ để phát triển.
Chỉ cần nhìn vào hệ thống giấy tờ tùy thân rất phức tạp của công dân hoặc quan sát hiện tượng giới trẻ chạy sang Singapore để khởi nghiệp hay các hệ thống chính phủ điện tử nửa vời vừa yêu cầu điền thông tin điện tử lại vừa phải trình các bản cứng..., ta sẽ cảm nhận được tình trạng "hành là chính" này.
Điều đáng nói là rất nhiều người trong hệ thống đã sử dụng chính hệ thống này như một công cụ để kiếm chác và thăng tiến. Họ có được lợi ích từ việc làm cho hệ thống này vận hành trì trệ, phức tạp và kém hiệu quả. Quyền lợi của họ đến từ việc kìm hãm và kiểm soát thay vì hỗ trợ và giải phóng sức sáng tạo.
Cho nên, nếu không đổi mới cơ chế quản trị quốc gia ở mọi tầng bậc thì không có cách nào giải phóng sức sáng tạo của người dân, hầu đón bắt cơ hội mà thời đại mới đang mang tới.
Hai là, cải cách giáo dục. Những gì đang diễn ra cho thấy nền giáo dục hiện thời được thiết kế để đào tạo con người công cụ. Nói cách khác, triết lý của nền giáo dục hiện thời là đào tạo con người công cụ. Cả hệ thống đang vận hành xung quanh triết lý bất thành văn này. Đó chính là lý do vì sao các bệnh trong giáo dục như bệnh thành tích, dù cả xã hội kêu gào phải khắc phục thì sau bao năm lại ngày càng nặng thêm; việc học của trẻ nhỏ lại ngày càng mệt mỏi; các nhà giáo ngày càng uể oải và nhiều điều tiếng.
Giáo dục mất sức sáng tạo. Và hệ quả thật hiển nhiên, khi những người làm giáo dục không có sức sáng tạo thì sản phẩm của họ, những thế hệ trẻ do họ đào tạo ra, cũng không thể sáng tạo.
Đích đến của những thế hệ trẻ không có khả năng sáng tạo này là các xưởng gia công, kể cả gia công phần mềm, vẫn được ngộ nhận như sự sáng tạo; hay xuất khẩu lao động, mà ở đó, lao động giản đơn vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong việc tạo ra giá trị.
Con đường của họ, vì thế, vẫn là con đường của thế hệ trước đó, thế hệ bán sức lao động giản đơn, giá rẻ để kiếm sống. Hiển nhiên, quốc gia khi đó cũng sẽ chỉ là một quốc gia làm thuê, không thể cất cánh.
Cải cách giáo dục vì thế đóng vai trò chủ đạo trong việc giải phóng sức sáng tạo trong thời đại mới. Muốn vậy, giáo dục phải hướng đến việc tạo ra những thế hệ người Việt hoàn toàn mới, những con người tự do, có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống, thay vì tạo ra những con người công cụ, chỉ biết tuân thủ.
Nếu không, giáo dục sẽ bế tắc trong việc giải phóng chính mình; và do đó, tạo ra sự bế tắc trong việc giải phóng sức sáng tạo của thế hệ trẻ, dẫn đến bế tắc trong việc chuyển hướng phát triển của đất nước.
Bình luận (0)