xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải quyết 3 trở lực của đô thị (*): Thước đo từ người dân

THU HỒNG - QUỐC ANH - LÊ VĨNH

Những "hòn đá tảng" cản trở sự phát triển của đô thị sẽ được hóa giải bằng Nghị quyết 98/2023, tư duy về quy hoạch, sự linh hoạt trong tính toán ở mỗi dự án...

Nhận định Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội vừa thông qua mở ra cánh cửa giúp TP HCM đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho rằng trong thực hiện dự án giao thông thì khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tìm nguồn vốn. Với Nghị quyết 98, 2 điều ấy được hóa giải.

Hóa giải nhiều trở ngại

Về nguồn vốn, Nghị quyết 98 cho phép TP HCM được sử dụng vốn ngân sách thành phố để tham gia đầu tư dự án liên vùng hay cho phép nâng tỉ lệ vốn ngân sách từ 50% lên 70%, góp phần thu hút nhà đầu tư đối với các dự án PPP. 2 nội dung này giúp huy động vốn cho các dự án giao thông trọng điểm thuận lợi hơn. Như vừa qua TP HCM tăng thêm vốn ngân sách vào dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, giảm thời gian thu phí BOT dự kiến còn 19 năm 9 tháng… được đánh giá hấp dẫn các nhà đầu tư.

Về giải phóng mặt bằng, Nghị quyết 98 cho phép áp mức giá bồi thường các loại đất sát với giá thực tế. Đây là giải pháp linh hoạt giúp người dân hài lòng hơn khi nhà nước thực hiện bồi thường, GPMB trong thời gian tới.

Đối với các dự án BT chuyển tiếp trong giai đoạn trước đây, Nghị quyết mới trao cơ hội để thành phố sử dụng các quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Như đoạn 3 của Vành đai 2 TP HCM tạm dừng nhiều năm khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, hiện thành phố đang cùng các sở, ngành liên quan rà soát các quỹ đất để có cơ chế thanh toán cho họ thời gian tới.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM thông tin toàn thành phố có khoảng 20 dự án đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng như dự án mở rộng đường Lương Định Của, xây dựng cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Bồn... (thuộc TP Thủ Đức), cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa (thuộc quận 7, huyện Nhà Bè) hay cải tạo kênh Hàng Bàng (quận 5, quận 6)... Với những dự án này, các địa phương đang tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng trong các năm 2023, 2024.

Giải quyết 3 trở lực của đô thị (*): Thước đo từ người dân - Ảnh 2.

Cống Tân Thuận thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đến nay chưa biết chính xác thời điểm hoàn thành. Ảnh: ANH VŨ

Dứt khoát với nhà đầu tư

Nói riêng về cách gỡ khó cho Tứ giác Nguyễn Cư Trinh (hay gọi là khu Mả Lạng, quận 1, TP HCM), TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng có 2 phương án. Thứ nhất, thành phố vẫn cho làm dự án cao tầng ở đây. Nếu nhà đầu tư có tiềm lực thì được giao nhưng họ phải ký quỹ làm dự án và có tiến trình thực hiện bảo đảm đúng tiến độ. Nếu trong vòng 1-2 năm mà thành phố thấy "không ổn" thì thu hồi dự án.

Phương án thứ 2 là không cần nâng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc khu vực này mà chỉ chỉnh trang cho tốt. Hướng này khả thi hơn và phù hợp với hạ tầng hiện hữu.

Khi chỉnh trang phải chú trọng yếu tố an toàn cho người dân trong khu Mả Lạng. Đó là mở rộng đường để bảo đảm sẽ cứu hỏa, cứu thương tiếp cận được nhà dân.

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh phương án tái định cư tại chỗ vì người dân sống ở đây lâu năm nên dễ tạo sự đồng thuận. Khu vực này còn quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng là lợi thế trong giải quyết tái định cư, có thể gom thành mảnh đất lớn để xây chung cư cao tầng. Công tác tái định cư phải song song với quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và phải có chung cư trước để người dân ở.

"Thành phố có quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước ở đây thì quá tốt. Những căn này ưu tiên và dành cho kế hoạch bồi thường giải tỏa, tổ chức tái định cư" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Đối với những trường hợp nhà đất diện tích nhỏ không đủ điều kiện xây dựng kiên cố, lên tầng thì những hộ lân cận có thể tự thỏa thuận mua lại của nhau để bảo đảm điều kiện về cấp phép xây dựng. Hộ dân còn lại có thể lựa chọn tái định cư tại chung cư trong khu vực này.

Bên cạnh đó, thành phố có thể tổ chức chỉnh trang luôn mặt tiền khu Mả Lạng ở những tuyến đường lớn và tránh tình trạng nhà "siêu mỏng", "siêu méo" để trung tâm có bộ mặt khang trang. "Cái ruột ở khu vực này phải được giải quyết, đó là điều tối thiểu ở khu nội thành" - ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Giải quyết 3 trở lực của đô thị (*): Thước đo từ người dân - Ảnh 4.

Bên trong những căn nhà khu Mả Lạng nhiều năm nay luôn là hình ảnh cũ kỹ, chật chội. Ảnh ANH VŨ

Nhân sự phải giỏi

Với dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, theo kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường, việc chỉ còn khoảng 7% khối lượng công việc nhưng chưa hẹn ngày về đích trong khi tiền trả lãi vay trên 1,4 tỉ đồng mỗi ngày là điều nhức nhối.

Ông Trần Văn Tường cho rằng dễ thấy nguyên nhân làm gián đoạn dự án này là khâu thủ tục, phối hợp. Trước mắt, nên có thêm cơ chế linh hoạt chủ động cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án sao cho hoàn tất ngay các thủ tục liên quan, bảo đảm sự chặt chẽ.

Việc xử lý các vướng mắc cần nhanh chóng để kịp cấp vốn tiếp tục thi công. Có thể cấp bách bố trí nguồn vốn ngân sách, sử dụng các khoản kinh phí nhàn rỗi để thanh toán ngay, từ đó thi công phần khối lượng còn lại để giảm tối đa thiệt hại.

Không chỉ dự án này, với những công trình có khó khăn tương tự, bài học cần rút ra là khả năng kiểm soát tài chính cũng như các dự báo, tính toán sao cho khả thi nhất. Siết trần lãi suất vốn vay ngay từ ban đầu trước khi ký hợp đồng, hạn chế vốn vay thương mại để bớt rủi ro đội vốn và nợ xấu ngân hàng, đa dạng nguồn lực nhằm tạo sự cạnh tranh bằng cách thu hút những nguồn vốn khác từ các quỹ ưu đãi, đầu tư dài hạn, trái phiếu công trình, góp vốn xây dựng... là những biện pháp cần được tính tới ngay từ khi dự án mới định hình trong ý tưởng.

Có những trở ngại, vướng mắc ban đầu không lớn nếu cứ kéo dài sẽ trở thành phức tạp như dự án đình trệ dẫn đến phát sinh chi phí, lãng phí, đội vốn, giảm cơ hội phát triển và ảnh hưởng môi trường thu hút đầu tư. Do vậy, cần cơ quan chuyên trách với đội ngũ nhân sự giỏi, am hiểu không chỉ kỹ thuật mà còn cả kinh tế để tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp và quản lý hiệu quả các dự án lớn thu hút đầu tư xã hội hóa như BT trả chậm bằng tiền, BOT trên đường hiện hữu. Ngoài ra, ban hành quy trình thực hiện đầu tư, khai thác, hoàn vốn và kể cả khâu huy động tài chính cho dự án bằng cẩm nang chuyên ngành. Từ đó, hướng dẫn một cách công khai, rõ ràng và chi tiết.

Một điều không thể không nói tới, theo ông Tường, cần xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan chậm phối hợp giải quyết vướng mắc khiến các dự án gián đoạn. "Thước đo quản lý nhà nước, giải quyết công việc, hiệu quả dự án chính là sự hài lòng người dân" - ông Tường nói.

Thanh toán sớm để giảm thiệt hại

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng những dự án đang chậm tiến độ do vướng hợp đồng BT như khép kín đoạn 3 của Vành đai 2 (TP Thủ Đức), dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng... cần sớm có giải pháp thanh toán cho nhà đầu tư giá trị còn lại của hợp đồng để tránh thiệt hại đáng tiếc...

Kenh-hang-bang

Kênh Hàng Bàng nằm trong số nhiều công trình bị vướng về bồi thường, GPMB. Ảnh: ÁI MY

"Để thanh toán cho phần còn lại của dự án, theo tôi thành phố cần có báo cáo đánh giá cụ thể về mặt kỹ thuật và tổng mức đầu tư của dự án để có cơ sở xác định tỉ lệ đối ứng cho phù hợp. Ngoài ra, nên dùng ngân sách TP để chi trả cho giá trị còn lại của hợp đồng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất có trong hợp đồng để chi trả. Đây là cách làm minh bạch, công khai, nếu sớm tháo gỡ sẽ đưa các công trình nhanh chóng được đưa vào sử dụng" - TS Phạm Viết Thuận nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động số ra từ ngày 25-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo