Còn chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM thì cho biết mỗi ngày phường tiếp nhận 250-300 hồ sơ sao y chứng thực và lãnh đạo phường phải xác nhận bằng 500-600 chữ ký.
Chỉ loay hoay với những công việc đó là đã hết thời gian của một ngày, chưa kể còn phải họp hành và những sự vụ khác thì cán bộ chính quyền địa phương nhiều quận, huyện ở TP HCM đúng nghĩa là "đầu tắt mặt tối". Tình trạng quá tải hồ sơ hành chính được Báo Người Lao Động phản ánh trên những số báo vừa qua khi cán bộ thêm việc, người dân thêm giờ chờ, một lần nữa cho thấy phải cấp bách giải bài toán về nhân sự và thủ tục hành chính, không để kéo dài tình trạng bất cập tồn tại lâu nay, nhất là những xã - phường có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân tứ xứ kéo về sống tại địa phương ngày càng nhiều.
Trong khi đó, cũng là cán bộ phường - xã nhưng ở không ít vùng miền, cán bộ lại rất nhàn hạ. Lý do cũng dễ hiểu: Dân cư không đông, giấy tờ, thủ tục phát sinh không nhiều và ít sự vụ để giải quyết. Ngay cả nhiều cơ quan nhà nước, tình trạng cán bộ công chức (CBCC) rảnh rang, "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về" một thời là hiện tượng. Nhằm khắc phục tình trạng này, Nghị định 34/CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, đã đưa ra quy định mới, giảm số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã chỉ còn từ 10-14 người.
Tại TP HCM, thực hiện chủ trương này, từ đầu năm 2021 đã cắt giảm 2.299 cán bộ không chuyên trách (từ 6.787 còn 4.368 người). Nhưng TP HCM là đô thị đặc biệt, nhiều phường - xã vùng ven, ngoại thành có dân số đông, có những phường - xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) vào đầu năm 2000 đã có hơn 120.000 dân, đông hơn dân số huyện Cần Giờ. Dân đông, lượng hồ sơ chứng thực sao y, tư pháp - hộ tịch, đất đai xây dựng luôn rất lớn. Số cán bộ chuyên trách giảm nên cường độ công việc cao, cán bộ bị quá tải...
Chủ trương tinh giản bộ máy là đúng, song với TP HCM nên có sự vận dụng linh hoạt ở những xã - phường có dân số đông như vừa kể trên. Một trong những giải pháp có tính khả thi là TP HCM sẽ vận dụng linh hoạt các cơ chế được mở ra trong Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị để xây dựng đội ngũ CBCC xã - phường. Hơn nữa, thời đại công nghệ tiến nhanh như vũ bão, xu thế số hóa là tất yếu sẽ chọn lọc tự nhiên nhân sự và quy trình theo hướng tối ưu hóa, tinh gọn và hiệu quả. Sẽ tiến tới không còn các quy trình phức tạp, thủ tục nặng nề, tốn kém chi phí nhân lực và chi phí hành chính, văn phòng... khi tích hợp nhiều công đoạn cải tiến, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ bằng ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp nhận thủ tục hành chính không giấy.
Thực tế đã có những mô hình thành công ở quận 1, quận 6... cần nhân rộng.
Một đô thị văn minh phải giải bài toán này một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ. Đó là lối ra tất yếu.
Bình luận (0)