Tại Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức ngày 13-11 ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) mong được tiếp cận vốn rẻ hơn, thủ tục thông thoáng hơn, tài sản bảo đảm được định giá tốt hơn...
Nhiều khó khăn
Theo ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn chưa tiếp cận được lãi suất thấp, nhất là với các khoản vay cũ. Ngân hàng thương mại hạn chế room tín dụng và có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao. Thêm nữa, tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đang thấp hơn giá trị thị trường do thị trường BĐS đóng băng. Các ngân hàng cũng chỉ chấp nhận tài sản thế chấp là BĐS, không nhận trái phiếu, cổ phiếu, máy móc thiết bị.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, đề xuất ngân hàng rút gọn quy trình thẩm định, giải ngân còn 1 tháng thay vì 2-3 tháng như hiện nay, đồng thời đơn giản hồ sơ vay vốn. Hiện các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp rất nhiều giấy phép con trong hồ sơ vay vốn; nhiều ngân hàng cũng không cho doanh nghiệp vay tiền để chi giải phóng mặt bằng, trong khi chi phí này của doanh nghiệp là rất lớn.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland - ông Dennis Ng Teck Yow, nhấn mạnh khó khăn về pháp lý chiếm đến 80% các khó khăn của doanh nghiệp BĐS và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản sẽ tăng cao. Đại diện Novaland đề nghị có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp BĐS để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong năm nay và năm tới.
Ngân hàng không thể nới
Trao đổi với các doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho hay BĐS là lĩnh vực đặc biệt quan trọng với Vietcombank, với dư nợ chiếm gần 25% tổng dư nợ của ngân hàng.
Ông Tùng cũng chỉ ra một số bất cập của thị trường bất động sản hiện nay. Thứ nhất, dự án NƠXH khan hiếm, một số dự án không bán được, cơ cấu thị trường BĐS chưa cân đối, thiếu phân khúc nhà ở có giá cả phù hợp với thu nhập người dân. Từ đầu năm đến nay, lãi vay đã giảm 2,5% nhưng giá nhà không giảm, thậm chí còn tăng.
Ông Tùng cho hay lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi ngân hàng. Tinh thần chung là các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Các ngân hàng có nợ xấu cao phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao. Vì thế, các chủ đầu tư cần nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, tập trung vào phân khúc nhu cầu thực... thì mới tạo được niềm tin với các ngân hàng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết với các điều kiện đã được quy định trong luật, ngân hàng không thể nới. Tuy nhiên, với các điều kiện thuộc thẩm quyền của ngân hàng thương mại thì các ngân hàng căn cứ từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp chỉ vướng ở room tín dụng mà các ngân hàng thương mại cấp cho từng khách hàng, còn room tín dụng toàn hệ thống thì vẫn dư thừa. Để thị trường BĐS sôi động hơn, doanh nghiệp BĐS cần có sự thống nhất trong cuộc chơi giá nhà. Hiện nay, giá nhà vẫn tăng cao trong khi lãi vay giảm mạnh. Chỉ khi giải quyết được vấn đề giá nhà thì mới giải quyết được vấn đề sức mua thị trường.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ngân hàng cân đối để tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế, BĐS; tiết giảm chi phí để giảm lãi suất; tiếp tục xem xét để rút ngắn nhất thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn, song về phía doanh nghiệp cũng phải rất sẵn sàng, rõ ràng trong hồ sơ, minh bạch trong hoạt động.
Thống đốc cho biết hiện NHNN đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống.
Giải "bài toán" nhà ở xã hội
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh thị trường BĐS hiện nay mất cân đối lớn về cung cầu, cung chủ yếu là trung cao cấp, còn BĐS giá rẻ cho người dân thu nhập thấp rất hạn chế.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS thuộc Bộ Xây dựng, cũng cho biết phân khúc căn hộ trung và cao cấp tiếp tục dẫn đầu nguồn cung căn hộ mới trong quý, chiếm lần lượt 58% và 26% tổng nguồn cung căn hộ đang mở bán. Phân khúc căn hộ giá vừa phải dưới 25 triệu đồng/m2 tiếp tục khan hiếm.
Ông Hải nhấn mạnh cần khẩn trương thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH; xác định việc đầu tư phát triển NƠXH cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương. Đồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Gói 120.000 tỉ đồng đến nay mới có BIDV và Agribank ký hợp đồng tín dụng tài trợ với số tiền giải ngân là 105 tỉ đồng.
Cần tăng cung nhà ở xã hội
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định để phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững cần phải tăng cung NƠXH. Đối với kiến nghị mở rộng đối tượng gói 120.000 tỉ đồng, Bộ Xây dựng đã tham mưu và NHNN đang có ý kiến về nội dung này.
Số liệu của NHNN cho thấy tính đến cuối tháng 9-2023, tín dụng BĐS tăng 6,04%, trong đó tín dụng kinh doanh BĐS tăng trưởng tới 21,85%, cho thấy nhu cầu vay mua nhà của người dân vẫn rất thấp.
Bình luận (0)