Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2020, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam là hơn 180 triệu USD, chỉ chiếm 1,15% tổng xuất khẩu xoài của thế giới. Thị trường xuất khẩu xoài Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc (83,9% - đạt gần 152 triệu USD), Nga, Mỹ, Hàn Quốc, EU, Úc, Nhật Bản…
Hao hụt lớn sau thu hoạch
Riêng tại ĐBSCL, năm 2020, 271 số mã vùng trồng xoài đã được cấp để xuất khẩu. Đáng lưu ý, diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của ĐBSCL là 1.789 ha, chiếm 3,8% tổng diện tích. Do đó, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cần tăng cường mở rộng, truy xuất nguồn gốc cho các diện tích trồng xoài đạt chuẩn.
Tại Đồng Tháp, xoài được lựa chọn là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, địa phương đã chú trọng cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng xoài trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia để nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người trồng xoài.
Nông dân trồng xoài ở Đồng Tháp gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL với khoảng 12.171 ha, sản lượng hằng năm gần 124.000 tấn. Đến nay, gần 980 ha xoài trên địa bàn tỉnh đã được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường khó tính, trên 4.200 ha được cấp mã vùng xuất sang Trung Quốc; 342 ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... Toàn tỉnh đã thành lập 8 HTX, 37 tổ hợp tác và 23 hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn 1.073 ha với trên 10 doanh nghiệp (DN). Đồng Tháp có 5 sản phẩm của 3 cơ sở, đơn vị sản xuất đạt chuẩn OCOP 3-4 sao và tiêu thụ trong siêu thị.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thiện Nghĩa, xoài ở tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL có tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%. Khâu phân loại chất lượng xoài tươi để tạo độ đồng đều về mặt chất lượng còn hạn chế, khâu bảo quản xoài tươi hao hụt nhiều. Công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập; diện tích sản xuất đạt thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP còn hạn chế. Trong khi đó, các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật/hóa học để xoài đáp ứng được nhiều loại thị trường là thách thức lớn hiện nay.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vùng nguyên liệu xoài, chính sách hỗ trợ DN và HTX hoạt động trên lĩnh vực logistics, sau thu hoạch của ngành hàng xoài còn hạn chế. Mối liên kết về sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các địa phương trồng xoài ở ĐBSCL còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang các thị trường chưa chặt chẽ, dễ gây mất uy tín cho địa phương và thiệt hại cho nông dân...
Đẩy mạnh liên kết
Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu là đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD; có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Giám đốc đại diện quốc gia, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam - cho biết để hỗ trợ các quốc gia hưởng lợi từ thị trường toàn cầu, UNIDO đang hợp tác chiến lược với chính phủ Thụy Sĩ triển khai chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng toàn cầu (GQSP) tại 11 nước, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu tổng thể của chương trình là thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh thông qua tăng cường năng lực tuân thủ chất lượng, tiêu chuẩn để tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận thị trường.
Để thực hiện mục tiêu gia tăng xuất khẩu xoài, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, kiến nghị Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp các trung tâm kỹ thuật của cục. Các trung tâm này sẽ thực hiện những nghiên cứu phục vụ việc dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường và giám định sinh vật gây hại, kiểm tra dư lượng trước khi xuất khẩu; số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý trên cơ sở kết nối từ nông dân đến DN xuất khẩu và cơ quan kiểm tra tại cửa khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, tạo vùng nguyên liệu trên cơ sở quản lý chặt chẽ vùng trồng; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương; giao cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu.
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, DN phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước nhập khẩu xoài và của cơ quan chuyên ngành Việt Nam; liên kết sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu và giám sát thường xuyên để bảo đảm vùng nguyên liệu luôn đạt yêu cầu; chủ động cập nhật thông tin xuất khẩu…
Đưa xoài vào siêu thị
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng các địa phương cần chú ý đến việc bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn để xoài vào được siêu thị nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước. Đây là một xu hướng cần hướng đến trong thời gian tới.
Ngoài ra, các địa phương và DN phải đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chất lượng bảo quản sau thu hoạch là vấn đề cốt lõi để nâng cao giá trị trái xoài. Đồng thời, gắn kết các DN với tổ hợp tác, HTX trồng xoài ở khu vực ĐBSCL để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)