Năm năm thực hiện Nghị quyết 54 cho thấy nhiều nội dung quan trọng đã được TP HCM triển khai như: phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực, dự án đầu tư; huy động nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức... Trong quá trình này, TP HCM rút ra một số bài học, hình thành một số định hướng quan trọng để kiến nghị cơ chế, chính sách mới.
Những gì TP HCM làm tốt nên để thành phố làm
Với Nghị quyết 54, TP HCM được trung ương dành nhiều ưu tiên lớn song khi thực hiện lại bị chi phối bởi nhiều quy định dẫn đến vướng mắc, chậm trễ.
Đơn cử, việc TP HCM được chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thông qua nghị quyết của HĐND được nhận định giúp rút gọn thời gian khoảng 6 tháng so với việc phải thông qua trung ương. Tuy nhiên, những quy trình sau đó vẫn như bình thường, không đặc thù, chưa thuận lợi nên hiệu quả chưa thật sự cao.
Để khắc phục các vướng mắc, Thành ủy TP HCM cần khẩn trương tổng kết Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 làm cơ sở kiến nghị ban hành nghị quyết mới cho 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, cần kiến nghị mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho TP HCM về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, tổ chức bộ máy hành chính, nhân sự, quy hoạch, văn hóa - xã hội... theo nguyên tắc những gì địa phương làm tốt thì nên để địa phương làm. Chẳng hạn, TP HCM có thể chủ động phân bổ biên chế phù hợp cho xã, phường nhằm đáp ứng yêu cầu, khối lượng công việc thực tế phát sinh. Việc trả lương cho nhóm này hoàn toàn dùng ngân sách của thành phố. Việc huy động nguồn lực, thu hút nhân tài cũng không thể hiệu quả nếu thành phố vẫn áp dụng cơ chế tiền lương chung. Vì thế, việc này cần được tự chủ hơn.
Ngoài ra, một cơ chế minh bạch theo hướng quy định tỉ lệ đóng góp ngân sách về trung ương với mức hợp lý là rất cần thiết. Với phần ngân sách từ việc cho TP HCM được tăng thu, nên áp dụng cơ chế tăng bao nhiêu thì thành phố được hưởng bấy nhiêu và HĐND quyết định khoản này.
Khẳng định vai trò hạt nhân
Dù đang ở tầm quốc gia nhưng các hoạt động tài chính tại TP HCM được các tổ chức quốc tế đánh giá là đang tiệm cận các trung tâm tài chính khác trong khu vực như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur...
Để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP HCM muốn được phép thí điểm những mô hình chưa được pháp luật quy định (sandbox) liên quan đến công nghệ số, ngân hàng số, bởi đây đang là xu hướng phát triển rất mạnh mẽ.
Để phát triển tương xứng tiềm năng, TP HCM cần nghị quyết mới mang tính hệ thống, rõ ràng về phân cấp, phân quyền hơn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sự phát triển của trung tâm này có 2 mốc thời gian rõ ràng: Thành trung tâm tài chính của khu vực ASEAN từ năm 2030 và vươn lên thành trung tâm tài chính quốc tế giai đoạn sau đó. Về cơ cấu, trung tâm tài chính có một phần nằm trên khu đô thị mới Thủ Thiêm, phần còn lại vẫn duy trì ở quận 1, phía bờ sông Sài Gòn. Hai phần này bổ sung cho nhau để hình thành một mạng lưới liên kết và phát triển tài chính trong tương lai.
TP HCM còn cần được trao cơ chế để trở thành địa phương đóng vai trò hạt nhân, chủ động điều phối các địa phương trong vùng nhằm xử lý hiệu quả những vấn đề chung. Chỉ khi củng cố được vai trò của địa phương nòng cốt thì mới tạo được cơ chế thuận lợi phục vụ phát triển chung.
Chẳng hạn, hệ thống giao thông kết nối TP HCM với TP Biên Hòa, TP Nhơn Trạch và huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cùng các địa phương khác trong vùng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho phát triển toàn vùng. Vừa qua, Chính phủ đã giao TP HCM chủ động điều phối việc triển khai dự án đường Vành đai 3 và thành phố đã làm rất rốt ráo, có hiệu quả.
Kiến nghị quan trọng nữa là xây dựng TP Thủ Đức trở thành "thành phố trong thành phố" đúng nghĩa, thay vì áp dụng cơ chế hoạt động như một quận, huyện vốn không đem lại hiệu quả cao. TP Thủ Đức đóng góp 1/3 tổng sản phẩm nội địa của TP HCM và 7% cả nước; chỉ đứng sau TP HCM và Hà Nội, vượt xa các thành phố trực thuộc trung ương khác như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. Cơ chế cho TP Thủ Đức phải xứng tầm với sự đóng góp vào nền kinh tế, để Thủ Đức trở thành đô thị kết nối toàn vùng về phía Đông và phía Tây.
Tóm lại, nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh, tạo động lực phát triển cho TP HCM, cần một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với những nội dung mang tính hệ thống, khả thi cùng cơ chế vận hành cụ thể để tránh vướng mắc. Nghị quyết mới này phải đồng bộ với Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó TP HCM là hạt nhân.
Không xin "chiếc bánh đang có"
Với nguồn lực còn rất lớn, nếu giải quyết được điểm nghẽn thể chế thì TP HCM hoàn toàn có đủ nguồn lực để phát triển, trong đó có nguồn lực quan trọng từ khu vực ngoài nhà nước.
TP HCM không xin "chiếc bánh đang có" mà xin cơ chế để làm "chiếc bánh to hơn nữa". Bộ Chính trị cũng định hướng dành cho TP HCM cơ chế đặc thù nhằm tạo động lực phát triển. Việc còn lại phụ thuộc các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách cụ thể để TP HCM được tăng tính chủ động, tự chủ, phát huy hết thế mạnh.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-11
Bình luận (0)