xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hãi hùng rác nhựa

THU HỒNG

Trong vai người thu gom và theo xe vào các bãi trung chuyển rác ở TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động chứng kiến những hình ảnh khó tin về rác nhựa

Chuẩn bị đầy đủ đồ nghề gồm găng tay, ủng, khẩu trang, áo khoác, nón, suốt 2 ngày 31-7 và 2-8, leo lên chiếc xe thu gom rác của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tốt (thu gom rác khu vực huyện Hóc Môn, TP HCM), chúng tôi bắt đầu một ngày làm việc từ sáng sớm.

Người thu gom chê túi ni-lông

Khu vực chúng tôi thu gom thuộc ấp 5, xã Xuân Thới Thượng với khoảng 200 hộ dân và một số cơ sở sản xuất nhỏ. Chạy một đoạn chừng 10 m, xe dừng lại, chúng tôi chia nhau rẽ ra hai bên đường lấy rác cho lên xe, lượng rác ở đây khá nhiều do 2 ngày mới gom một lần, nhiều thùng rất nặng, chúng tôi phải cùng khiêng lên xe. Hầu hết các hộ dân đều không phân loại rác, tất cả rác đều dồn vào một túi, bên trong túi lớn là rất nhiều những túi ni-lông nhỏ đựng tất tần tật các thứ từ cá, thịt, rau quả... Thử xé một túi rác lớn khoảng 5 kg của một hộ dân, chúng tôi bất ngờ vì khoảng 60% là rác nhựa, với đủ kiểu túi ni-lông lớn, nhỏ, nắp chai nước, ống hút nhựa, còn lại 40% là rau củ quả, vỏ trứng, hộp giấy...

Sau khi thu gom rác ở mặt tiền đường, chúng tôi đi vào các con hẻm. Xe nhỏ, chúng tôi dễ dàng len tận sâu. "Rác đi, rác đi!" - tiếng anh Tốt hô to khi đến một dãy nhà có nuôi nhiều chó. "Không quen đừng vào, chó ở đây dữ lắm" - vợ anh Tốt dặn. Ngại xích chó, vài hộ dân tự mang rác cho lên xe. Hôm trước trời mưa nên nước rỉ rác, mùi hôi từ rau củ, thịt cá càng nặng, mỗi khi rác trút ra, mùi hôi xộc vào mũi chúng tôi đến ngạt thở. Đi được 50 hộ, lượng rác trên xe bắt đầu nhiều, tôi được anh Tốt phân công lên thùng xe dùng chân đạp, nén rác xuống, đồng thời nhặt lon bia, chai nhựa lớn, thùng giấy để bán ve chai.

"Không lượm túi ni-lông và hộp sữa giấy. Nhiều bao rác không cần xé bịch nếu không có gì lượm lại được" - anh Tốt dặn dò. Theo lời dặn, tôi đứng trên thùng xe vừa lượm ve chai vừa nén rác xuống, do lượng rác đổ dồn quá nhanh, cứ vài phút tôi phải đảo mắt lại một lần để tìm ve chai sót lại. Chưa gần một tiếng, thùng xe đã đầy, tôi đứng chót vót lên đỉnh rác, khó khăn tìm chỗ bám víu vì mỗi lần xe chạy vô hẻm, dằn xóc, ngồi trên cao cứ chực rơi xuống đất. Nhìn dưới chân, toàn rác thải nhựa. Thật kinh khủng! Tôi thốt lên. Không lấy làm lạ, anh Tốt lắc đầu nói: Túi ni-lông nhiều vô kể. Thói quen của người dân rồi, chưa giảm được. Như chiếc xe này khoảng 600 kg rác, cao lắm chỉ có 50 kg rác hữu cơ từ rau củ, thịt cá…, còn lại là túi ni- lông, hộp xốp, chai nhựa, vải và một số rác không tái chế được.

Không chỉ vợ chồng anh Tốt chê túi ni-lông, qua quan sát của chúng tôi, hầu hết các xe thu gom rác dân lập từ nội thành đến ngoại thành đều chê nên tất cả túi ni-lông cứ thế theo xe rác ra bãi tập kết rồi dồn tất cả thành đống để đem đi chôn.

Hãi hùng rác nhựa - Ảnh 1.

Rác thải nhựa tại trạm trung chuyển chờ được đưa vào bãi chôn lấp. Ảnh: HUẾ XUÂN

Tiền bán không bằng tiền công

Vì sao người thu gom rác dân lập không nhặt lại túi ni-lông để tái chế? Trả lời câu hỏi này, anh Tốt cho hay vài năm trước, túi ni-lông có giá cỡ 2.000 đồng/kg, vợ chồng anh còn siêng lượm ra nhưng bây giờ giá còn phân nửa và chủ vựa ve chai còn yêu cầu phải là túi sạch nên vợ chồng anh không kiếm thêm thu nhập bằng thu gom túi ni-lông nữa.

Đứng ở góc đường Phạm Văn Bạch - Trần Thái Tông (phường 15, quận Tân Bình) sau khi đổ rác vào bô rác, soạn lại những bao ve chai vừa nhặt được trong ngày, em Phạm Đình Nguyên (thu gom rác đoạn Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) cười tươi nói: Mỗi ngày em lượm được gần 20 kg chai nhựa, mủ dẻo (nhựa dẻo - PV) và nhôm. "Còn túi ni-lông nhiều nhưng dơ lắm, có lượm về cũng không giặt được nên em đành bỏ lại đưa vào bô rác" - Nguyên nói. Đứng cạnh đó, ông Huỳnh Văn Cu (thu gom rác khu vực phường 13 và phường 4, quận Tân Bình) nói xen vào: Với quy định của các vựa ve chai như vậy thì nội việc giặt sạch túi ni-lông để đem bán thì xem ra tiền bán không bằng tiền công.

Hãi hùng rác nhựa - Ảnh 2.

Phóng viên Báo Người Lao Động trong vai người thu gom rác. Ảnh: HUẾ XUÂN

Vậy tại trạm trung chuyển, lượng túi ni- lông khổng lồ mà người thu gom rác dân lập mang đến có được nhặt lại để tái sử dụng không? Một nhân viên trạm ép rác kín trên đường Phạm Văn Bạch cho biết mỗi ngày trạm tiếp nhận khoảng 270 tấn rác chủ yếu trên địa bàn quận Tân Bình, do là trạm ép kín nên xe rác dân lập vào trạm sẽ trực tiếp đưa rác vào máy ép, không có lực lượng nhặt ve chai như một số trạm khác. Cứ 5 phút, một xe rác dân lập đổ xuống, trong hàng trăm ký rác lộ ra rất nhiều rác thải nhựa chủ yếu là túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Toàn bộ lượng rác này được xe ép mang đến Khu Xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Sáng 3-8, tôi ghé trạm trung chuyển rác trên Quốc lộ 1 (huyện Hóc Môn) - nơi tiếp nhận rác trên địa bàn quận 12. Tại đây, bà Nguyễn Thị Sáu túc trực bên các xe thu gom dân lập để lượm ve chai sót lại. Thỉnh thoảng, bà Sáu dùng móc lôi ra cái chai, hũ nhựa khi xe rác vừa đổ xuống sàn. Theo bà Sáu, bà chỉ lượm lại thùng giấy, chai nhựa lớn sót lại, túi ni-lông không thể lượm vì nhiều vô kể và bán không có giá. Nếu lượm túi ni-lông thì lượm cả ngày không hết, trong khi xe ép ép rác liên tục, rác dân lập đến là cho lên xe ngay, không còn thời gian để lượm. Gần một giờ đứng đây, chúng tôi nhận thấy ngồn ngộn một lượng rác thải nhựa nằm lẫn trong rác hữu cơ không được lựa ra, được xe ép của Công ty Môi trường đô thị TP cho lên xe, chở thẳng đến Khu Xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Tương tự, tại trạm trung chuyển rác thuộc xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) và trạm trung chuyển Quang Trung (quận Gò Vấp), tuy có lực lượng nhặt ve chai hùng hậu với 4-5 người thường xuyên túc trực tại trạm để nhặt ve chai, túi ni-lông nhưng lực lượng này chỉ nhặt những túi sạch, to, còn hàng chục tấn rác nhựa còn lại sẽ đưa vào bãi chôn lấp.

Những ngày trực tiếp bưng bê rác, theo xe rác vào trạm trung chuyển, phóng viên bị "sốc" với lượng rác thải nhựa người dân sử dụng và thải ra môi trường mỗi ngày. Nói theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nếu mỗi người không tự ý thức, không hạn chế dần thói quen "tiện lợi" từ túi ni-lông, hộp xốp, chai nhựa... thì những hậu quả từ rác thải nhựa mang lại thật khôn lường. Đó là ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, không khí từ hạt vi nhựa. 

Cơ sở sản xuất thải ra nhiều nhất

Những ngày đi thực tế, chúng tôi ghi nhận rác nhựa từ các hộ dân thải ra không thấm vào đâu so với lượng rác này tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các khu nhà trọ.

Tại thùng rác của một cơ sở cơ khí nhỏ có 10 công nhân, ngoài ni-lông bao inox bị xé vứt đầy thì thùng rác của cơ sở này có khoảng 10 hộp nhựa (đựng cơm) và hơn 10 ly, chai nước nhựa thải ra mỗi ngày. Trừ một số chai nhựa lớn được chúng tôi lượm lại tái chế, số còn lại như ống hút, ly nhựa giòn, nắp chai... đều đi vào bãi chôn lấp.

Chỉ 12,5% lượng rác nhựa được tái chế

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, cho biết trong số hơn 9.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày người dân TP thải ra, có khoảng 1.600 tấn rác thải nhựa. Tuy nhiên, chỉ có 200 tấn rác thải nhựa được thu gom và tái chế mỗi ngày - tức chỉ chiếm 12,5%, số còn lại được đưa đến bãi chôn lấp.

"Rác thải nhựa được đưa vào bãi chôn lấp không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên rác mà còn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường vì phải mất hàng trăm năm, số rác này mới phân hủy hoàn toàn" - ông Cao Văn Tuấn lo lắng.

Kỳ tới: Đâu là giải pháp?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo