xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hậu quả lớn vì xem áo phao là chuyện nhỏ

Nhóm phóng viên

Cần tăng chế tài xử lý đối với người đi ghe thuyền thô sơ không mặc áo phao để hạn chế các vụ tai nạn thương tâm

Vụ lật ghe khiến 6 người tử vong (4 người lớn và 2 trẻ em) trên sông Vu Gia (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) xảy ra chiều 25-2 đã khiến nhiều người giật mình. Thực tế cho thấy lâu nay, công tác tuyên truyền, vận động, đưa ra các chế tài cụ thể để xử lý đối với những người không tuân thủ quy định pháp luật về việc mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy chưa thực sự hiệu quả.

Hiểm nguy rình rập

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, không chỉ riêng người dân sinh sống gần 2 con sông Vu Gia, Thu Bồn mà hầu như tất cả gia đình ở ven các sông, suối lớn đều có thuyền nhỏ để mưu sinh và di chuyển trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, việc sử dụng áo phao đối với họ thật sự là việc xa lạ.

Tại cuộc họp nhanh vào sáng 26-2 với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, tại trụ sở UBND xã Đại Cường, ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nhìn nhận nhiều người dân địa phương thường có tâm lý chủ quan, các quy định về an toàn giao thông đường thủy đều không được chấp hành nghiêm chỉnh. Thiếu tá Phạm Minh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT huyện Đại Lộc, cho biết những chiếc ghe thường được người dân tự chế, không có bến bãi cố định nên rất khó kiểm soát.

Theo ghi nhận, tình trạng người dân không mặc áo phao cũng diễn ra trên các chuyến đò tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định. Đã gần nửa tháng từ sau vụ tai nạn đường thủy trên khe La Ma, thuộc lòng hồ thủy lợi Tả Trạch ở xã Hương Phú, huyện Nam Đồng (tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến 3 người tử nạn, đến nay người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Hồ Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Hương Phú, nhận xét: "Người dân chủ quan lắm, chẳng bao giờ mặc áo phao. Hôm xảy ra sự việc, trên đò chẳng có áo phao". 

Năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tài trợ 3 phà vỏ thép, mỗi chiếc dài hơn 14 m, rộng hơn 3 m, công suất 64 CV, trị giá gần 600 triệu đồng cho huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các phương tiện này đều được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, trong đó 2 chiếc được đưa về bến đò Vĩnh Tu để thay thế đò truyền thống nhưng đến nay chỉ nằm bờ, phơi mưa dầm nắng. Theo một số chủ đò ở đây thì việc sử dụng đò gỗ sẽ tiết kiệm hơn phà vì chi phí nhiên liệu ít, lượng khách qua lại không nhiều. Còn ông Nguyễn Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn, cho rằng điều khiển tàu vỏ thép theo yêu cầu phải có bằng thuyền trưởng, thuyền máy nhưng chưa có lớp học ở địa phương nên chưa có người đủ điều kiện vận hành.

Xã đảo Nhơn Châu cách nội thành Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 12 hải lý có 500 hộ dân với 2.500 nhân khẩu, chưa có điện lưới quốc gia và trường THCS và THPT nên học sinh và người dân phải lên đò ngang vào TP Quy Nhơn học và làm việc. Những chuyến đò rời bến và cập bến liên tục với hơn 20 chuyến/ngày nhưng nhiều người ngồi trên đò không mặc áo phao, dù chủ phương tiện đã chuẩn bị sẵn.

Ghi nhận thực tế tại TP HCM, ở các bến khách ngang sông, hầu như khách qua phà đều không được yêu cầu phải mặc áo phao và cũng rất ít người tự giác lấy áo mặc khi qua sông. Đơn cử như tại bến phà ngang sông An Phú Đông (quận 12), bến Bình Quới (qua lại giữa 2 quận Bình Thạnh và Thủ Đức), dù trên phà luôn có áo phao nhưng người lái, nhân viên phà hầu như không yêu cầu khách mặc. Ngược lại, hành khách cũng rất ít người có nhu cầu.

Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều sông, rạch nhất ĐBSCL. Ở hầu hết các tuyến sông đều có rất nhiều bến đò ngang hoạt động. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa từng có việc khách mặc áo phao khi qua đò. Một số chủ đò cũng có trang bị áo phao mà không sử dụng. Ông Phạm Văn Mừng là người làm nghề đưa rước học sinh hơn 10 năm nay ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Mỗi ngày 4 lượt đi về, mỗi chuyến đò của ông chở khoảng 30 học sinh. Chứng chỉ lái phương tiện, giấy đăng ký hành nghề ông đều có đủ nhưng áo phao, phao cứu sinh lại chưa có. Ông N.C.L (ngụ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết di chuyển bằng phương tiện đường thủy đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa sông nước. Ngoài chủ quan, nhiều người còn cho rằng bất tiện nên không mặc áo phao.

Hậu quả lớn vì xem áo phao là chuyện nhỏ - Ảnh 1.

Chiếc đò ngang chở người dân qua sông tỉnh Đakrông (Quảng Trị) nhưng không trang bị áo phaoẢnh: ĐỨC NGHĨA

Thiếu chế tài xử phạt

Ngày 27-2, Ủy ban ATGT quốc gia có báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về tình hình tai nạn của phương tiện gia dụng đường thủy nội địa.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ tai nạn đường thủy vừa qua chủ yếu do các phương tiện gia dụng do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về ATGT. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT đường thủy đối với việc sử dụng và tham gia giao thông bằng phương tiện gia dụng còn nhiều hạn chế. Chế tài xử phạt đối với việc đưa phương tiện gia dụng không có thiết bị an toàn, phao cứu sinh hoặc thiết bị cứu sinh vào hoạt động còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao (không mang dụng cụ cứu sinh) đối với người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy trên phương tiện gia dụng.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa nói chung và các hành vi vi phạm quy định pháp luật khi đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đường thủy đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1-15 tấn hoặc có sức chở từ 5 -12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Khuất Việt Hùng cho rằng Nghị định 132 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có nhiều điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, đối với những phương tiện chở khách ngang sông, vi phạm không có ghế ngồi, không có phương tiện hỗ trợ cứu hộ như áo phao, phao cứu sinh... chỉ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng nhưng đó là phương tiện có đăng ký, đăng kiểm; còn những phương tiện tự cải hoán như ghe thuyền nhỏ trong vụ tai nạn lần này thì không biết xử lý thế nào. "Sắp tới, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tham mưu Chính phủ chỉnh sửa cụ thể hơn Nghị định 132 để tăng chế tài xử phạt. Chúng tôi sẽ kiến nghị trao thêm quyền cho công an xã trong việc xử lý đối với những người không mặc áo phao để tăng thêm hiệu quả" - ông Hùng nói. 

49 vụ tai nạn, 26 người thiệt mạng

Theo Bộ GTVT, năm 2019, cả nước xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 26 người thiệt mạng, 4 người bị thương. So sánh với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giảm 16,95% và người chết giảm 33%.

Trong khi đó, tại TP HCM, theo Sở GTVT, năm 2019 trên địa bàn TP xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường thủy, làm chết 2 người và không có người bị thương. Theo đại diện Sở GTVT TP, năm 2019, đoàn kiểm tra liên ngành với nhiều lực lượng đã tổ chức 33 lượt kiểm tra về trật tự an toàn giao thông đường thủy ở địa bàn 12 quận, huyện và lập 30 biên bản vi phạm và xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 100 triệu đồng. Trong đó, những lỗi vi phạm phổ biến là tình trạng bến thủy hoạt động không phép, phương tiện thiếu áo phao hoặc không yêu cầu hành khách mặc áo phao.

G.Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo