Cụ thể, đã chi khoảng 50 tỉ đồng trong 5 năm, mỗi năm khoảng 10 tỉ đồng cho nhiều cán bộ cấp trên, nhất là vào dịp lễ, Tết. Người thì được tặng vài chục triệu đồng, người thì 100-200 triệu đồng.
Cho dù hội đồng xét xử và cơ quan điều tra còn phải xem xét, xác minh thêm lời khai này nhưng ít nhiều nó cũng đã phản ánh một thực tế mà lâu nay người dân đã nghi ngờ nhiều. Đó là tình trạng biếu xén tràn lan vào các dịp lễ, Tết.
Tặng quà cho nhau là một tập quán tốt. Thế nhưng, từ xưa đến nay, nó luôn luôn bị lợi dụng bởi những tâm địa đen tối. Từ đó, quà cáp trở thành vật hối lộ.
Từ thuở xưa, Lã Bất Vi ở bên Tàu bắt đầu từ chuyện tặng quà mà sau này "được cả thiên hạ". Kẻ tặng quà với ý đồ lợi dụng đánh trúng tâm lý hám lợi của kẻ quyền thế, rồi dần dần hình thành "liên minh ma quỷ". Các "liên minh ma quỷ" ngày càng phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, lây lan như một thứ bệnh truyền nhiễm, nhiều khi thao túng cả quốc gia.
Một anh công chức thường thường bậc trung, bất tài, dùng quà cáp như một phương tiện để leo lên vị trí có quyền cao hơn, với một "phương án kinh doanh" đã tính kỹ, biết chắc là sẽ được bù lại và thu lợi nhiều hơn khi còn có rất nhiều kẻ thường thường bậc trung khác rắp tâm dấn thân vào vết xe của con đường anh ta đã đi qua. Và cứ như thế, như thế…
Chính vì vậy mà hầu như đạo đức trong nền công vụ các nước đều có những điều khoản quy định về việc nhận quà biếu. Ví dụ, trong "Những điều không cho phép đối với cán bộ Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp phòng trở lên ở Trung Quốc" có quy định: "Không cho phép trong hoạt động việc công mà nhận lại những tặng vật (tiền, vàng) và các loại ngân phiếu; không cho phép nhận của đơn vị trực tiếp thuộc cấp dưới các loại thẻ tín dụng; không cho phép nhận tham dự các buổi tiệc có khả năng ảnh hưởng đến việc chấp hành công vụ…".
Ở Malaysia, quy định về "Tư cách đạo đức và chế độ kỷ luật của công chức" nêu rõ: "Khi có những tình huống gây khó xử cho công chức để từ chối nhận một món quà hoặc vật kỷ niệm có giá trị mà việc nhận đó đã bị quy định này cấm thì trên hình thức nó có thể được tiếp nhận nhưng công chức đó phải trình một báo cáo lên thủ trưởng ngành trong thời gian sớm nhất, miêu tả đầy đủ, ước lượng giá trị của món quà cũng như tình huống nhận món quà đó và thủ trưởng ngành sẽ chuyển tiếp báo cáo đó cùng với ý kiến của mình cho cơ quan có thẩm quyền kỷ luật thích hợp. Trong khi chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền kỷ luật, công chức có trách nhiệm bảo quản an toàn món quà đó".
Ở nước ta, Luật Phòng chống tham nhũng nêu: "Người có chức vụ, quyền hạn không được làm những điều sau đây: Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình giải quyết. Chi tiền công quỹ cho việc tặng quà hoặc chia cho cán bộ, công chức…".
Thật ra, những quy định trên còn xa và đơn giản so với thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng và cực kỳ tinh vi. Quan chức mà đem ơn nghĩa vào xử lý công vụ và không dứt được lòng tham thì có trăm quy ngàn pháp cũng chịu!
Bình luận (0)