Theo thông tin từ Vụ Chính trị - Quân sự (Bộ Ngoại giao Mỹ), mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Mỹ và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, và hai quốc gia chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong tương lai. Quan hệ hợp tác an ninh giữa hai nước được xây dựng dựa trên cam kết chung nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng và quyết tâm chung nhằm giải quyết các thách thức an ninh khu vực.
Đối thoại Chính trị-An ninh-Quốc phòng Việt Nam-Mỹ lần thứ 9 ngày 30-1-2018 tại Hà Nội
Mỹ và Việt Nam đã tổ chức 11 cuộc Đối thoại về Chính trị, An ninh và Quốc phòng nhằm thảo luận về hợp tác an ninh song phương. Những cuộc đối thoại này đã thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng phát triển giữa hai quốc gia, đồng thời phản ánh cam kết chung của hai nước đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và độc lập. Các chủ đề thảo luận bao gồm các vấn đề chiến tranh để lại, an ninh hàng hải, trợ giúp nhân đạo/cứu trợ thảm họa (HARD), hoạt động gìn giữ hòa bình và các sáng kiến quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Tháng 3-2018, tàu sân bay USS Carl Vinson đã có chuyến thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ trong hơn 40 năm.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) đến Đà Nẵng - Ảnh: Hải quân Mỹ. Ảnh chụp ngày 5-3-2018
Đến ngày 9-3-2020, tàu sân bay thứ hai của Mỹ, USS Theodore Roosevelt, đã kết thúc chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Việt Nam sau khi neo đậu tại Đà Nẵng. Các thủy thủ đã tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa và dự án phục vụ cộng đồng như làm đồ thủ công, chơi thể thao, trao đổi ngôn ngữ, làm vườn và vẽ tranh, từ đó chứng minh tầm quan trọng của giao lưu nhân dân giữa Mỹ và Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động trao đổi chuyên môn cũng đã diễn ra trong chuyến thăm, tập trung vào việc hợp tác ngăn ngừa dịch bệnh. Sau đó, Đô đốc Aquilino, khi đó là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng đã có buổi tiệc chiêu đãi với các lãnh đạo cấp cao của chính phủ.
Từ năm 2015 đến năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn việc xuất khẩu vĩnh viễn các thiết bị quốc phòng trị giá 32,3 triệu USD với Việt Nam thông qua chương trình Giao dịch Thương mại Trực tiếp (DCS). Cũng trong các năm này, 3 hạng mục trong chương trình DCS được xuất khẩu nhiều nhất là: Hệ thống điều khiển hỏa lực, laser, hình ảnh và thiết bị dẫn đường (USML hạng mục XII); thiết bị điện tử quân sự (hạng mục XI); súng và các thiết bị liên quan (hạng mục I). Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thực hiện các hoạt động trị giá hơn 162 triệu USD trong Giao dịch Quân sự Nước ngoài với Việt Nam.
Trong các tài khóa 2017 đến 2021, Việt Nam đã tiếp nhận các khoản hỗ trợ an ninh song phương trị giá khoảng 60 triệu USD do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF), và hơn 20 triệu USD qua Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (SAMSI) thuộc chương trình FMF khu vực của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cũng từ chương trình FMF, Việt Nam tiếp nhận thêm 81,5 triệu USD trong tài khóa 2018 để hỗ trợ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các thành viên của cảnh sát biển Việt Nam lên tàu CSB-8020 trong lễ bàn giao tại Căn cứ Tuần duyên Honolulu hôm 25-5-2017. Sau gần 50 năm phục vụ trong Tuần duyên Mỹ, cựu Tàu Tuần duyên Morgenthau chính thức được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam và được đổi tên thành CSB-8020
Chương trình FMF chủ yếu hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về an ninh hàng hải/nhận thức vấn đề hàng hải. Các dự án trọng điểm đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm việc chuyển giao, tân trang và bảo trì lâu dài 2 tàu tuần tra đã qua sử dụng của lực lượng Tuần duyên Mỹ theo chương trình chuyển giao Trang bị Quốc phòng Dư thừa (EDA), cũng như việc chuyển giao xuồng tuần tra Metal Shark.
Các tàu tuần duyên này đại diện cho những hoạt động chuyển giao quốc phòng quan trọng nhất giữa Mỹ và Việt Nam.
Theo phía Việt Nam, các xuồng tuần tra Metal Shark vận tốc lên tới 50 hải lý/giờ hỗ trợ Cảnh sát biển biển Việt Nam trong hoạt động tuần tra liên bờ biển và thực thi pháp luật về buôn lậu, buôn bán bất hợp pháp, cướp biển và các vụ cướp tàu có vũ trang, và đánh bắt cá bất hợp pháp.
Sáng kiến SAMSI được thiết kế nhằm nâng cao năng lực nhận thức vấn đề hàng hải, giúp tăng cường sự hiện diện của các quốc gia đối tác của Mỹ trong lãnh hải của họ, đồng thời giúp các quốc gia này bảo vệ các quyền và sự tự do như quy định trong luật biển quốc tế. Việt Nam đã sử dụng nguồn tài trợ của SAMSI để mua các máy bay trinh sát không người lái Scan Eagle.
Mỹ đã chuyển giao nhiều xuồng tuần tra Metal Shark cho Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink, Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Phó Đô đốc Fred M. Midgette, Tư lệnh lực lượng Tuần duyên Mỹ, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM Mary Tarnowka và các quan chức Việt Nam tại lễ trao 6 xuồng Metal Shark ở Phú Quốc hôm 28-3-2018.
Chính phủ Mỹ đang tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại tại Việt Nam. Các hoạt động bao gồm xử lý vật liệu chưa nổ (UXO), xử lý ô nhiễm dioxin, hỗ trợ người khuyết tật và thực hiện hoạt động nhân đạo về tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh (POW/MIA).
Thông tin chi tiết về các chương trình nhân đạo đang được các đối tác của Mỹ thực hiện tại Việt Nam đã có tại báo cáo To Walk The Earth In Safety (Dạo bước an toàn trên Trái đất) của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Năm 2020 đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam kể từ sau chiến tranh tại Việt Nam. Từ năm 1993, Chính phủ Mỹ đã đóng góp hơn 166 triệu USD vào các nỗ lực xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ.
Việt Nam đã góp phần thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việt Nam cũng là một quốc gia đối tác tích cực trong Sáng kiến Hoạt động Hòa bình Toàn cầu (GPOI) của Mỹ. Năm 2018, Việt Nam triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động cùng Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) với nguồn tài trợ và hỗ trợ từ GPOI. Việt Nam đang trong quá trình cam kết triển khai công binh tới một Phái bộ Liên Hiệp Quốc trong tương lai.
Năm 2018, Việt Nam lần đầu tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), sau khi cử quan sát viên tới các cuộc diễn tập vào năm 2012 và 2016. RIMPAC là cuộc diễn tập hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ và các đồng minh, đối tác trong và quanh khu vực quần đảo Hawaii và vùng Nam California tổ chức 2 năm một lần.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo cuối tháng 5-2021 khẳng định sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh - quốc phòng. Trên cơ sở đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển theo tinh thần các văn bản hai bên đã ký kết như là Biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố và Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2015 và Kế hoạch hành động hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018 - 2020, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như quốc tế.
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, những năm qua, quan hệ an ninh - quốc phòng chứng kiến những bước phát triển vững chắc, không chỉ về giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn mở rộng sang công tác đào tạo quân y, hợp tác cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình. Lần đầu tiên, chính phủ Mỹ cấp ngân sách qua Bộ Quốc phòng để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm Việt Nam 3 lần trong 3 năm qua. Hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực phòng chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh nguồn nước...
Bình luận (0)