Đảo Bạch Long Vỹ được thành lập vào năm 1992, nằm ở phía Đông Nam, cách TP Hải Phòng 133 km, là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ. Do nằm giữa vịnh, đảo có vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển vịnh Bắc Bộ.
Ngày càng khởi sắc
Huyện đảo Bạch Long Vỹ là 1 trong 8 ngư trường lớn của cả nước, có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú. Đây cũng là chỗ dựa để ngư dân yên tâm đánh bắt cá xa bờ, vào tránh trú bão, làm hàng. Do đó, mặc dù có diện tích hẹp nhưng huyện đảo có vị trí chiến lược, tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng - an ninh và trong phát triển kinh tế biển.
Những năm trước đây, trên đảo Bạch Long Vỹ có 4 khó khăn chính: giao thông đi lại từ đất liền ra đảo, nước ngọt phục vụ sinh hoạt, điện sinh hoạt và thông tin liên lạc. Theo ông Trần Quang Tường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ - từ lâu, điện và nước ngọt là vấn đề nan giải trên đảo. Tuy nhiên, vào tháng 7-2020, sau hơn 5 năm khởi công và xây dựng, dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt với diện tích hơn 40.000 m2, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho đảo Bạch Long Vỹ giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư trên 188 tỉ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Tô Đình Tuân và Thiếu tướng Bùi Quốc Oai tặng quà cho đại diện người dân và chính quyền địa phương trên đảo Bạch Long Vỹ .Ảnh: NGÔ NHUNG
Hồ chứa nước ngọt đầu tiên trên đảo Bạch Long Vỹ không chỉ bổ sung nguồn nước ngọt quan trọng mà còn giúp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. "Sau khi đưa vào sử dụng, hồ sẽ lưu trữ tối đa nguồn nước ngọt trên đảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá" - ông Tường phấn khởi.
Hiện tại, nguồn điện cung cấp cho các hoạt động trên đảo còn hạn chế. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang chuẩn bị khởi công dự án hệ thống điện gồm điện năng lượng mặt trời, điện gió và máy phát điện diesel với tổng mức đầu tư trên 200 tỉ đồng, sẽ cơ bản bảo đảm cung cấp điện cho toàn huyện đảo này.
Đời sống người dân cải thiện từng ngày
Cũng theo ông Trần Quang Tường, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo Bạch Long Vỹ đã nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 5 đề ra.
5 năm qua, kinh tế huyện đảo phát triển khá và chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, xây dựng gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển du lịch. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 2.120 tỉ đổng. Tổng huy động vốn đấu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 1.000 tỉ đồng.
Qua 27 năm xây dựng và phát triển, đến nay, kết cấu hạ tầng huyện đảo Bạch Long Vỹ đã dần đồng bộ; có 40 công trình, dự án được xây dựng, triển khai. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng đã góp phần làm thay đổi diện mạo huyện đảo, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh. Văn hóa - xã hội trên đảo cũng có những chuyển biến mới. Công tác giáo dục - đào tạo trên đảo được quan tâm, bảo đảm chất lượng. Hoạt động khám, chữa bệnh được triển khai sâu rộng và làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đời sống của nhân dân trên đảo cơ bản được cải thiện. "Trong lịch sử 27 năm xây dựng, phát triển, đã có 100 cháu nhỏ sinh sống, học tập trên đảo. Đến nay, đã có 8 cháu học tập, trưởng thành và quay trở lại để công tác, phục vụ trên đảo" - Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vỹ cho hay.
Trở thành trung tâm hậu cần nghề cá
Cuối tháng 7-2020, Đại hội Đảng bộ huyện Bạch Long Vỹ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp. Đại hội có sự tham dự của 219 đảng viên thuộc 15 tổ chức, cơ sở Đảng trong toàn huyện.
Theo Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vỹ, tại đại hội, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025. Nghị quyết xác định 5 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm đầu tư của Trung ương và TP Hải Phòng, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, trong đó có xác định "Xây dựng đảo Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc".
Thứ hai, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển; từng bước phát triển du lịch biển đảo.
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng môi trường văn hóa; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; cải thiện chất lượng cuộc sống người dân trên các mặt; bảo đảm giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.
Thứ tư, xây dựng Bạch Long Vỹ thành khu vực phòng thủ vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, bảo đảm môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Thứ năm, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy Đảng trên tất cả các mặt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững huyện đảo.
Món quà tinh thần vô giá
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Quang Tường nhấn mạnh chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" có ý nghĩa to lớn, là món quà tinh thần vô giá đối với cán bộ chiến sĩ, quân dân trên đảo.
Theo ông Tường, bà con ngư dân ngoài việc mưu sinh còn nhận thấy trọng trách giữ gìn biển, đảo quê hương, bảo vệ ngư trường của Việt Nam. "Đối với ngư dân, lá cờ Tổ quốc tung bay trên các phương tiện tàu thuyền khiến họ như thấy Tổ quốc luôn bên mình khi vươn khơi, giúp họ ra khơi yên lòng, vững tin hơn. Cũng vì thế, họ làm việc hăng say hơn, sản lượng đánh bắt tốt hơn và từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống" - ông Trần Quang Tường nhìn nhận.
Bình luận (0)