Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-2, trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,2 triệu người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua.
Vào thời điểm này của những năm trước là mùa cao điểm phục vụ khách quốc tế ở Việt Nam. Năm nay, nguồn khách từ các thị trường Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc... giảm mạnh. Nếu tính riêng trong tháng 2-2020, khách quốc tế tới Việt Nam chỉ đạt 1,24 triệu lượt người - giảm tới 37,7% so với tháng trước và giảm tới 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường cung cấp nguồn khách chính tới Việt Nam từ châu Á, châu Úc, châu Mỹ đều giảm.
Điểm sáng của ngành du lịch trong 2 tháng đầu năm nay là dù dịch bệnh, lượng khách đến từ châu Âu, châu Phi vẫn tăng. Cụ thể, khách châu Âu ước tính đạt hơn 502.000 lượt người - tăng 8,8% so với cùng kỳ, trong đó lượng khách Nga đến Việt Nam liên tục tăng, trong 2 tháng đã đón 172.700 lượt người - tăng 17,7% so với cùng kỳ; khách từ Vương quốc Anh, Pháp, Đức cũng tăng. Đồng thời, khách Thái Lan đạt 107.600 lượt người - tăng tới 34,5% hay khách đến từ châu Phi đạt 9.900 lượt người - tăng 17% so với cùng kỳ... Dù vậy, một số doanh nghiệp (DN) chuyên phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) cho biết đang lo lắng khi tình hình diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, lan sang nhiều nước châu Âu.
Khách quốc tế tham quan TP HCM trong tháng 2-2020 Ảnh: LAM GIANG
Ngày 29-2, một số DN khai thác thị trường inbound cho hay vừa bất ngờ nhận được thông báo từ Ban Tổ chức Triển lãm Du lịch quốc tế Berlin - Đức (ITB Berlin 2020) về việc hủy bỏ hội chợ quy mô lớn và nổi tiếng của ngành du lịch toàn cầu. Hội chợ năm nay dự kiến sẽ có hơn 10.000 gian hàng triển lãm từ hơn 180 quốc gia. Nhưng thông báo của ban tổ chức, ITB Berlin 2020 bị hủy phút cuối do lo ngại dịch Covid-19 lan nhanh.
Một số DN du lịch đã phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ phép luân phiên, nghỉ không lương... để cầm cự qua đợt dịch bệnh. Tổng giám đốc một công ty du lịch khá lớn tại TP HCM cho biết từ sau Tết nguyên đán đến nay, công ty đã cắt giảm một nửa nhân sự, đồng thời phải chịu lỗ cả chục tỉ đồng để duy trì hoạt động. Đến giờ, công ty đang tìm giải pháp để có thể cầm cự, duy trì qua mùa dịch. Hiện nhiều công ty du lịch, lữ hành, khách sạn, điểm tham quan đã triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa nhằm thu hút du khách trong nước tới những điểm đến chưa bị dịch bệnh như ĐBSCL, Tây Nguyên, Phú Yên, Quy Nhơn...
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng một trong những giải pháp của DN du lịch là tìm kiếm thị trường khách mới như Liên bang Nga, Tây Âu hay thúc đẩy khách nội địa. Các DN có thể điều chỉnh, khai thác nguồn khách trong nước với mục tiêu quan trọng nhất là duy trì hoạt động để không bị đóng cửa. Ngay một số địa phương trong nước đến giờ chưa bị dịch, là điểm đến nổi tiếng có thể được DN quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút du khách để có nguồn thu, bên cạnh việc chờ sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước.
Thừa Thiên - Huế hỗ trợ doanh nghiệp sau Covid-19
Tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 29-2 tổ chức hội thảo chủ đề "Giải pháp nào cho doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19".
Trong 2 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất - kinh doanh tại Thừa Thiên - Huế đã chịu ảnh hưởng kép do tác động chính sách và thiệt hại dịch bệnh gây ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP còn khoảng 6,8%-7,2% so với kế hoạch 2020 là 7,5%-8%, khách du lịch giảm 20%-30%. Theo Công ty CP Cảng Chân Mây, trong 25 tàu du lịch đã có lịch cập cảng từ đây đến cuối năm 2020 thì 24 tàu đã thông báo hủy. Trong đó có tàu Quantum Of The Seas lớn thứ 4 thế giới với sức chứa hơn 4.000 khách cùng 1.800 thủy thủ.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định địa phương tiếp tục xác định động lực phát triển kinh tế là cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư. UBND tỉnh cam kết sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19.
Q.Nhật
Bình luận (0)