Ước đang có hơn 1.000 tấn rác thải sinh hoạt ứ đọng khắp các tuyến đường, từ vùng phụ cận đến nội thị TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng xuất hiện khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Nhà máy hỏng, ngưng nhận rác
Nguyên nhân rác thải ùn ứ nghiêm trọng là do Nhà máy Xử lý rác thải Bảo Lộc (viết tắt là nhà máy rác) ngừng tiếp nhận rác, buộc Công ty CP Công trình đô thị Bảo Lộc ngừng thu gom, vận chuyển rác.
Trước đó, ngày 16-10, Công ty CP Môi trường xanh Friendly (đơn vị quản lý, vận hành nhà máy rác) có văn bản gửi UBND TP Bảo Lộc, thông báo "ngừng tiếp nhận rác 10 ngày". Văn bản nêu rõ: "Thời gian qua, công ty trung bình tiếp nhận khoảng 124 tấn rác/ngày, rất cao so với trước đây (khoảng 80 tấn/ngày). Vì vậy, để xử lý được khối lượng rác trong ngày triệt để, kể từ ngày 16 đến 26-10, nhà máy tạm ngưng tiếp nhận rác để trùng tu, sửa chữa máy móc, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý rác trên địa bàn và lượng rác đang tồn đọng trong nhà máy".
Trước đây, mỗi lần rác ứ đọng, TP đều loay hoay tìm phương án xử lý, lúc thì đem vào bãi rác của các huyện Bảo Lâm, Di Linh để gửi, lúc đưa vào khuôn viên của Công ty CP Công trình đô thị Bảo Lộc chôn lấp.
Bước đầu, xác định nhà máy rác ngừng hoạt động là do máy móc hư hỏng. Trong đó, quan trọng nhất là hỏng quạt hút tại lò đốt chính và hỏng xe xúc lật chuyên tải rác vào lò đốt.
Theo nhiều người dân, khi đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, nhà máy rác (đóng tại thôn 2, xã Đại Lào) ít nhất có 6 lần "hụt hơi" do gặp sự cố, khiến rác thải ứ đọng. Thế nhưng, cứ mỗi lần gặp sự cố, chính quyền và cơ quan chức năng lại chưa có phương án giải quyết dứt điểm khiến người dân lo lắng.
Sáng 25-10, tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Núi Thành và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam... đã có buổi đối thoại với người dân sinh sống gần khu xử lý rác Tam Xuân. Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam gửi lời xin lỗi người dân địa phương vì để xảy ra sự cố môi trường ở hộc rác số 1, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đến nay, công ty đã khắc phục xong sự cố nên mong người dân tạo điều kiện để công ty được đưa rác vào xử lý. Nhiều người dân đồng ý nhưng một số bày tỏ bức xúc khi phải sinh sống gần bãi rác, mùi hôi thối ảnh hưởng đời sống và nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành, mong muốn người dân chia sẻ vì cái chung; đề nghị Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam làm cam kết ký trước người dân; đề nghị người dân lập tổ giám sát quá trình thực hiện cam kết của những đơn vị liên quan. Chiều cùng ngày, xe đã chở rác thải vào bãi xử lý.
Trước đó, từ ngày 26-7 đến nay, khu xử lý rác thải Tam Xuân xảy ra sự cố gây ô nhiễm mùi hôi, người dân sống xung quanh đó bức xúc nên ngăn cản không cho các phương tiện đưa rác vào xử lý khiến rác ứ đọng khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay vẫn đang tồn đọng hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt, tràn ngập khắp các tuyến đường trung tâm, vùng ven TP Quảng Ngãi. Đặc biệt, dọc tuyến Quốc lộ 1 qua các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn... rác chất đống, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân. Để giải quyết tạm thời tình trạng ô nhiễm, các đơn vị thu gom cùng người dân xung quanh gom rác vào một chỗ để đốt hoặc tập kết về những bãi rác tạm thời. Nguyên nhân tồn đọng rác do người dân ngăn chặn quá trình hoạt động của Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ (nơi tiếp nhận, xử lý rác cho TP Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa) vì cho rằng nhà máy chưa hoàn thành nhưng đã tiếp nhận, xử lý rác gây ô nhiễm.
Rác ngập tràn trên nhiều tuyến đường ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh TRẦN THƯỜNG
Vứt rác bừa bãi khắp nơi
Tại TP HCM, dọc đường Kênh Nước Đen (quận Bình Tân), ngay từ đầu giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Kênh Nước Đen, người đi đường "choáng" bởi đoạn kênh dày đặc rác. Một số nơi khác như kênh 19-5 (quận Tân Bình) cũng ứ đọng rác ở nhiều đoạn; kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (từ quận Tân Bình đến quận 3) thường ứ đọng rác vào buổi sáng; đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua Công viên Lê Thị Riêng) từ 8 giờ xuất hiện nhiều ụ rác dọc đường.
Rác cũng là nỗi khổ của cư dân vùng ven TP HCM. Đường Xuân Thới Thượng 9 (xã Xuân Thới Thượng) hơn 5 năm qua thành bãi rác lộ thiên ở đoạn giáp ranh xã Bà Điểm, đường Nguyễn Thị Thử (xã Xuân Thới Đông) thành nơi tập kết rác.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, dù quy định hành vi vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định ra môi trường bị xử phạt rất cao, từ 5-7 triệu đồng theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP nhưng đây cũng là bất cập bởi đối tượng vi phạm chủ yếu là người bán hàng rong, vé số, lao động phổ thông... Để tăng cường tính răn đe cũng như hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, sở đề xuất giải pháp, cụ thể: TP cần có cơ chế "phạt nguội" đối với hành vi xả rác, bởi đa số địa phương đều trang bị camera an ninh trên nhiều tuyến đường. Chính quyền địa phương có thể tận dụng hình ảnh này làm cơ sở xử lý người vi phạm...
Nhiều biện pháp để ngăn chặn
Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hơn 1.000 cán bộ, công nhân lao động của công ty về tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần đến môi trường, sức khỏe con người; yêu cầu các căng-tin phải dùng khay đựng cơm phần thay cho hộp xốp, sử dụng ly thủy tinh để uống nước thay ly nhựa, chai nhựa.
Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, Ban Quản lý (BQL) các KCN trên địa bàn tỉnh liên tục tuyên truyền về phong trào chống rác thải nhựa đến các doanh nghiệp hoạt động tại KCN An Nghiệp. Từ đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các doanh nghiệp trong vấn đề môi trường. Ông Hà Thế Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ môi trường KCN An Nghiệp, cho biết công ty cũng tích cực tham gia phong trào chống rác thải nhựa do BQL các KCN tỉnh Sóc Trăng tổ chức; đồng thời, có kế hoạch thay thế dần các vật dụng hằng ngày như túi ni-lông, chai nhựa, thùng xốp, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Đoàn Thanh Vũ, Phó trưởng BQL các KCN tỉnh Hậu Giang, cho rằng để phong trào chống rác thải nhựa đạt kết quả, ban thực hiện tuyên truyền, vận động bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như không sử dụng ống hút nhựa khi uống nước giải khát, thay bằng các loại ống hút dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.
Theo thống kê, mỗi ngày trên đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có khoảng 180 tấn rác thải ra môi trường, trong đó thu gom được 120 tấn, còn lại vương vãi trong tự nhiên. Hiện Phú Quốc có 5 bãi rác tạm, trong đó có 2 bãi rác An Thới và Ông Lang (xã Cửa Dương) đã quá tải, rác chất như núi. Các bãi rác mới phát sinh như Hàm Ninh, Cửa Cạn, Suối Mây (xã Dương Tơ) thì gặp sự phản ứng của người dân. Trong khi đó, giữa tháng 9, Công ty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu (chủ đầu tư nhà máy rác Phú Quốc) xin UBND tỉnh Kiên Giang cho nhà máy hoạt động trở lại sau một thời gian tạm ngưng để nâng cấp, sửa chữa, từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9, nhà máy hoạt động và đã xử lý được 15.000 tấn rác thải.
Trước tình trạng rác thải ngày càng quá tải, UBND huyện Phú Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp như: Chọn ngày thứ bảy tuần đầu của mỗi tháng làm "Ngày vì môi trường Phú Quốc"; triển khai kế hoạch hoạt động về rác thải nhựa trên địa bàn và nhiều hoạt động khác nhằm hạn chế rác thải nhựa.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, cho biết qua hơn 4 tháng thực hiện "Ngày vì môi trường Phú Quốc", đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình hưởng ứng. Trong 4 đợt ra quân có gần 30.000 lượt người tham gia, thu gom hơn 150 tấn rác thải. Từ đây, các điểm nóng về rác thải như sân bay Phú Quốc cũ, bãi biển Dinh Cậu, rạch Ông Trì đã được dọn dẹp và khai thông nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt.
Q.Trường - H.Tuấn
Tìm bãi chứa rác tạm
Theo ông Phan Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, để giải quyết tình trạng rác ứ đọng, TP đang khẩn trương tìm bãi chứa tạm lưu giữ rác, đôn đốc nhà máy rác nhanh chóng khắc phục sự cố, đi vào hoạt động lại.
Bình luận (0)