Chiều 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ (báo cáo).
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân khiếu nại kéo dàiẢnh: Nguyễn Nam
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày báo cáo nêu rõ năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân giảm so với năm 2016, thể hiện ở số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 11%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 25,6%. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2016.
Các vụ phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, có những vụ được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Điều đáng lo ngại là một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, biểu tình, chống đối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với báo cáo song cho rằng cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về tình hình, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, nhất là về tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự, an ninh tại trụ sở cơ quan nhà nước ở trung ương. Đặc biệt, cần đánh giá cụ thể về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tiếp công dân, tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết UBTVQH cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao. Tuy nhiên, các báo cáo cần bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm chính xác hơn; làm rõ hơn số vụ tồn đọng phức tạp kéo dài đến bây giờ, nêu rõ nguyên nhân là gì, trách nhiệm của ai, cơ quan nào? UBTVQH đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao và VKSND Tối cao hoàn thiện báo cáo trước khi trình QH vào kỳ họp thứ 4.
Bình luận (0)