Trong phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chiều 5-11, các đại biểu (ĐB) Quốc hội nêu thực tế 40%-50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là con số không nhỏ vì số tiền của một vụ án tham nhũng có thể lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng.
Ngoài ra, hiện mới có quy định kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn khoảng trống pháp lý liên quan tài sản do người thân của đối tượng phạm tội tham nhũng đứng tên. Các ĐB đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp căn cơ để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn khó khăn, phức tạp và chưa đạt kỳ vọng. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW ngày 2-6-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Kết quả, qua đôn đốc 5.586 kết luận thanh tra, 9 tháng năm nay đã thu hồi được hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2021. Về thi hành án, hơn 1.800/2.700 vụ với hơn 15.000/43.000 tỉ đồng đã thi hành xong, tăng 290% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.
Trong thời gian tới, ngoài thực hiện tốt Chỉ thị 04-CT/TW, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hồi, xử lý sau thanh tra và thi hành án. Trong quá trình điều tra, thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm phải ngăn chặn ngay, không để các đối tượng tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, cần hợp tác quốc tế trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài.
ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đặt vấn đề chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự để thu hồi được nhiều tài sản tham nhũng hơn. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế". Đối với những vụ chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, ưu tiên xử lý theo án kinh tế trong thời hạn thanh tra; sau thời hạn nhất định, nếu không thực hiện được thì chuyển sang cơ quan điều tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấpẢnh: PHẠM THẮNG
ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nêu tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng tăng mạnh, nhất là ở lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Thừa nhận tình trạng này, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế "giấy phép con".
Theo ĐB Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận), một số vụ việc khi Thanh tra Chính phủ thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì chuyển xử lý hình sự. ĐB Sỹ đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có hay không tình trạng tiêu cực?
Trả lời ĐB, ông Đoàn Hồng Phong cho biết 2 cơ quan có điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ song một số vấn đề có nhiều cách hiểu khác nhau. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do cơ chế, chính sách thay đổi qua các thời kỳ, chưa phù hợp khi áp dụng vào kết quả thanh tra để kết luận đúng, sai.
Dẫn thực tế có trường hợp cán bộ thanh tra mắc sai phạm, một số ĐB đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết chất lượng, đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra. Khẳng định lực lượng thanh tra cơ bản chấp hành quy định nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng thừa nhận có một số trường hợp để xảy ra vi phạm, có những vụ nhận hối lộ và bị xử lý.
Ngành đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ như: quy định về chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra; quy định trách nhiệm; nghiêm cấm cán bộ thanh tra nhận quà, tiền của đối tượng thanh tra hay giao lưu dưới bất cứ hình thức nào với người bị thanh tra... "Tôi mong ĐB và cử tri giúp giám sát cán bộ thanh tra, nếu phát hiện sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý" - ông Đoàn Hồng Phong bày tỏ.
Bình luận (0)