Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Học quản trị của doanh nghiệp tư nhân
Nội dung đáng chú ý trong dự luật và có nhiều tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội (ĐBHQ) là quy định về "người có tài năng". Dự thảo luật quy định: "Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ".
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng do chính sách hiện hành ràng buộc nên nhiều nhân tài được thu hút và nhiều du học sinh sau khi ra trường không thể làm việc được ở các cơ quan nhà nước do không đậu ở kỳ thi công chức… Ông Hận đề nghị học kinh nghiệm quản trị nhân lực của doanh nghiệp tư nhân để thể chế hóa vào luật. Qua đó, khắc phục tình trạng "tư nhân tìm được nhân tài còn nhà nước không tìm ra được người yếu kém".
Tán thành với luật hóa thu hút người tài song ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết hiện nay, có hiện tượng dư luận không tin vào việc người tài được trọng dụng, cho rằng vào được bộ máy nhà nước là phải có "tiền tệ, hậu duệ, quan hệ…". Vì vậy, bà Hương đề xuất quy định trong luật cơ chế phát hiện người có tài năng, cơ chế ràng buộc đối với những người có trách nhiệm thực hiện chính sách trọng dụng người có tài. "Cần quy định minh bạch cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu để người tài có đất dụng võ" - bà Hương nhấn mạnh.
Làm "nóng" nghị trường, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu thực tế có trường hợp cán bộ trẻ được quy hoạch, bổ nhiệm thì dư luận quan tâm và hay đặt câu hỏi "đồng chí này là con đồng chí nào?". "Tôi cho rằng nguyên nhân chính là người dân, cử tri thiếu niềm tin. Tất cả công chức phải có cơ hội và được tạo cơ hội thăng tiến như nhau, dù là con cán bộ hay con người dân" - ông Tám nói và kiến nghị luật phải quy định công khai, minh bạch trong quá trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) góp ý trong cuộc họp Quốc hội ngày 24-10.Ảnh: Quang Vinh
"Y tá giỏi luôn đứng dưới bác sĩ tầm thường"?
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng luật pháp phải thể hiện chính xác, cụ thể. "Ở phạm vi luật, chúng ta chỉ bàn trong phạm vi công chức, đó là công chức có năng lực. Một công chức khó có thể phát hiện được cái gì kiệt xuất, vì họ thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định ra" - nhà sử học Dương Trung Quốc góp ý thẳng thắn. Theo ông, thời Bác Hồ là thời kỳ có những giá trị lớn hơn tiền bạc, đó là lòng yêu nước. "Bây giờ chúng ta phải có giá trị để thu hút những người tài năng vào bộ máy" - ông Quốc nói.
Bấm nút tranh luận với ĐB Dương Trung Quốc, ĐB Nguyễn Quang Tuấn nói: "Cho dù thời cuộc có thay đổi, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan nhưng chúng tôi những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống nhân sĩ cách đây 70 năm". Ông Tuấn cho rằng nếu dùng tiền mua được đạo đức, dùng tiền mua khoa học thì không có rất nhiều nhà khoa học từ nước ngoài bỏ lương rất là cao về Việt Nam…
Trước phản ứng trên, ông Dương Trung Quốc trao đổi lại: "Tôi muốn nhấn mạnh tinh thần của Bác Hồ là dụng nhân như dụng mộc, dùng người đúng lúc, đúng chỗ. Tại sao người y tá giỏi luôn đứng dưới bác sĩ tầm thường, kể cả lương bổng hay thưa gửi trong hội nghị? Tôi nghĩ cần phải thay đổi. Hơn nữa, chúng ta đang bàn luật về công chức và công chức là bộ phận quan trọng của đất nước nhưng không phải tất cả. Chúng ta vận dụng nhưng đừng giáo điều, quan trọng nhất là đừng chụp mũ".
Sai phạm, kỷ luật: Mất lương hưu
Tiếp thu ý kiến góp ý của ĐBQH từ kỳ họp trước, dự luật bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Cụ thể đối với từng hình thức xử lý kỷ luật "cảnh cáo", "khiển trách", "xóa tư cách chức vụ" thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, như cắt một số quyền lợi về vật chất.
Góp ý nội dung này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng không nên quy định xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân huy chương...
Truy trách nhiệm người đứng đầu
Giải trình làm rõ thêm các góp ý của ĐBQH, đại diện cơ quan soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết để đưa ra chính sách "thế nào là người có tài năng" là rất khó, do đó luật chỉ xác định tài năng trong hoạt động công vụ, tức là những cán bộ và công chức làm việc trong cơ quan nhà nước. Cho nên vấn đề này giao cho Chính phủ quy định khung chính sách và chính sách để thu hút họ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị.
Liên quan đến việc nhiều ĐBQH đề nghị quy định trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền đối với người có tài năng, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, luật đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện người có tài năng và chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, tuyển dụng, tiền lương.
Bình luận (0)