Tại cuộc họp báo định kỳ quý I của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chiều 29-3, những vấn đề nóng như: mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; quản lý Grab sau khi doanh nghiệp này "thôn tính" Uber ở Đông Nam Á, phương án xử lý BOT Cai Lậy… được đặc biệt quan tâm.
Tiền mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lấy từ đâu?
Liên quan tới việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được xác định là nhiệm vụ quan trọng của Bộ GTVT. "Thủ tướng vừa đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT trên cơ sở phương án mà công ty tư vấn độc lập của Pháp ADPi Engineering (ADP-I) nghiên cứu, xây nhà ga về phía Nam" - ông Đông cho hay.
Theo thứ trưởng Bộ GTVT, phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở rộng sân đỗ, nhà ga và tuyến giao thông kết nối để nâng cao năng lực với quy mô khoảng 50 triệu lượt hành khách/năm. Bên cạnh đó, Bộ GTVT xác định phải làm đường lăn để giải thoát máy bay trên đường băng càng sớm càng tốt.
Tổng số tiền để mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất có con số khái toán khoảng 18.000 tỉ đồng. Đây là phương án đã báo cáo trước đây và được phê duyệt.
Vị lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định với sự phát triển hành khách nhanh như hiện nay, sân bay Long Thành còn trong tương lai thì mở rộng Tân Sơn Nhất là rất cấp thiết, vì vậy việc xây dựng nhà ga, sân đỗ, đường lăn phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
"Tới đây, Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch, lộ trình xây dựng cụ thể các hạng mục để báo cáo Thủ tướng. Đồng thời, phối hợp với TP HCM nghiên cứu xây dựng các công trình kết nối" - ông Đông nói.
Trả lời về nguồn vốn 18.000 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết hạng mục xây dựng nhà ga, đường lăn sẽ được lấy từ nguồn tiền của Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV). Còn một số hạng mục khác sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào thực hiện.
"Cụ thể, lộ trình xây dựng từng hạng mục, nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ cụ thể" - Thứ trưởng Đông cho biết.
Theo ông Đông, nguồn đất để mở rộng sân bay sẽ được sử dụng chủ yếu từ đất quốc phòng và đất có sẵn. Theo quy hoạch, cần 32 ha đất để mở rộng về phía Nam, trong đó có đất quốc phòng. "Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao để hoàn chỉnh phương án mở rộng. Việc mới có 16 ha đất quốc phòng được bàn giao đã nằm trong dự trù tính toán, trong quá trình lập kế hoạch trước đây về phương án mở rộng mà Bộ GTVT đã lấy ý kiến Bộ Quốc phòng và được nhất trí cao" - ông Đông nói.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối mà đang có 10 doanh nghiệp tham gia Ảnh: TẤN Thạnh
Còn nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với Grab
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến thương vụ Grab mua Uber ở Đông Nam Á, e ngại về việc Grab có thể độc quyền khi "một mình một chợ", lái xe Uber kêu cứu.
Trả lời về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết việc quản lý cạnh tranh, xác định có độc quyền hay không được thực hiện theo Luật Cạnh tranh và cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này là Bộ Công Thương.
Theo ông Ngọc, hiện Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã vào cuộc và đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp các thông tin về hợp đồng mua bán giữa Grab và Uber. Bộ Tài chính cũng có văn bản yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ về vụ mua bán này.
"Bộ GTVT khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là người sử dụng dịch vụ" - ông Ngọc nói.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng phải xác định việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp, chiếu theo Luật Doanh nghiệp. "Những lo ngại về độc quyền có thể đúng một phần. Song phải thấy, hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối mà đang có 10 doanh nghiệp tham gia. Điều này có nghĩa là có thể không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab nhưng việc cạnh tranh các đơn vị khác vẫn còn. Không phải Grab một mình một chợ" - ông Đông cho hay.
Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, thứ trưởng Bộ GTVT cho biết các đơn vị của bộ phải nghiên cứu để đưa vào văn bản luật nhằm quản lý chặt chẽ loại hình vận tải này nhằm "bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp vận tải".
Về việc quản lý xe ôm công nghệ vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, ông Trần Bảo Ngọc cho biết theo quy định hiện hành, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý xe 2 bánh chở khách. Tùy đặc điểm tình hình, các địa phương sẽ có cách quản lý riêng. "Bộ GTVT đang đánh giá, tổng kết tham mưu cho chính phủ sửa đổi Nghị định 86 về quản lý kinh doanh vận tải, vấn đề này cũng sẽ được tính tới, sao cho người dân kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hành khách" - ông Ngọc thông tin.
Về việc lái xe cho Uber kêu cứu sau khi Grab mua Uber như phản ánh của một phóng viên, ông Đông khẳng định Bộ GTVT sẵn sàng tiếp xúc và giải đáp các vấn đề thắc mắc của lái xe. "Tuy nhiên hợp đồng của lái xe với Grab và Uber là một thỏa thuận dân sự, Bộ GTVT không thể can thiệp. Nhưng với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về vận tải, bộ sẽ hỗ trợ tối đa trong phạm vi chức trách" - ông Đông nói.
Chính phủ sẽ quyết về BOT Cai Lậy
Liên quan phương án xử lý đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ba lần có báo cáo về vấn đề này.
"Chính phủ sẽ đưa nội dung này vào họp trong thời gian sớm nhất, để nghe ý kiến của các bộ ngành, từ đó quyết định phương án, trên cơ sở những đề xuất của Bộ GTVT" - ông Đông cho hay.
Bình luận (0)