Đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với thế giới hiện đại. Nếu tỉ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP ở nước ta năm 1985 đạt 18,2% thì năm 2000 là 96,5%, năm 2013 là 153,9% và năm 2018 là trên 200%. Rõ ràng, chúng ta đang giao lưu, đang làm ăn với thế giới bên ngoài ngày một nhiều hơn; sự giàu có của chúng ta đang đến từ ngoài biên giới quốc gia cũng ngày một nhiều hơn.
Ảnh: hải bá
Những biểu hiện của hội nhập có thể được nhận biết ở mọi chốn, mọi nơi. Đó không chỉ là chiếc "thẻ vàng" của châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức đánh bắt cá của mọi ngư dân ở nước Việt; không chỉ là thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi của Trung Quốc làm cho đoàn xe container chở nông sản bị ách tắc ở biên giới hàng chục km. Đó còn là cách thức chúng ta giao tiếp với nhau qua Facebook, qua Zalo. Thậm chí còn là thói quen selfie và khoe ảnh trên mạng xã hội; thói quen giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ nửa Anh nửa Việt...
Có vẻ như trong quá trình hội nhập, vô số chuẩn mực chung của thế giới đang được áp đặt cho chúng ta. Các chuẩn mực về kỹ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông, về thương mại, đầu tư, về internet của vạn vật… tất cả là chung; và tất cả những cái chung đang ngày một nhiều thêm lên. Cái chung nhiều thêm lên thì cái riêng sẽ bị giảm bớt đi. Đó là một nguy cơ hoàn toàn có thật. Hội nhập rõ ràng đang mở ra muôn vàn cơ hội nhưng cũng mang đến không ít thách thức. Một trong những thách thức dễ cảm nhận nhất chính là rủi ro của việc sông kết nối với biển, hòa lẫn với biển và biến mất trong biển; chúng ta hội nhập với thế giới, hòa lẫn với thế giới và biến mất trong thế giới.
Thế thì làm thế nào để vẫn có thể hội nhập với thế giới mà vẫn không bị biến mất trong thế giới? Làm thế nào để hơn 90 triệu con cháu Lạc Hồng không bị hòa lẫn và biến mất trong hơn 7,7 tỉ người của các tộc người khác trên thế giới? Làm thế nào để chúng ta vẫn được nhận biết trong một thế giới đang mở ra mênh mông, đa dạng và muôn hình muôn vẻ? Câu trả lời ở đây chính là: Hãy hội nhập tối đa nhưng hãy giữ gìn bản sắc tối đa! Bản sắc của dân tộc chúng ta làm nên sự tồn tại của dân tộc chúng ta. Nếu bản sắc của chúng ta bất diệt thì chúng ta cũng sẽ ngàn đời bất diệt.
Bản sắc là tất cả những gì đặc trưng cho dân tộc Việt Nam, tất cả những gì làm cho người Việt chúng ta khác với mọi tộc người khác trên thế giới. Đó trước hết là tiếng Việt, thứ ngôn ngữ được truyền lại cho chúng ta từ nguồn sữa, từ lời ru của mẹ, thứ ngôn ngữ được chia sẻ bởi các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tiếng Việt không chỉ giúp chúng ta diễn tả được những khái niệm phức tạp nhất của khoa học và công nghệ mà còn giúp chúng ta bày tỏ được những cung bậc tình cảm tinh tế nhất, sâu xa nhất của tâm hồn. Có lẽ, chuyện "Sầu đong càng lắc càng đầy" (Kiều) thì chỉ có thể diễn tả được bằng tiếng Việt. Tiếng Việt còn nghĩa là dân tộc chúng ta còn.
Ảnh: phùng anh tuấn
Bản sắc của chúng ta còn được hình thành từ những thành tựu văn hóa của chúng ta. Đó là trống đồng, là tượng chùa Tây Phương, là kho tàng dân ca, kho tàng văn học nghệ thuật mà tiêu biểu là "Truyện Kiều", là hệ thống giá trị của chúng ta, trong đó có tình yêu quê hương xứ sở, có đời sống tâm linh phong phú với việc thờ cúng tổ tiên theo cách của riêng mình…
Thật ra, hội nhập không nhất thiết bao giờ cũng phải xung đột với bản sắc của dân tộc. Ngược lại, hội nhập vẫn có thể tạo điều kiện cho việc bảo tồn bản sắc. Quả thực, việc hội nhập và việc giữ gìn bản sắc nếu biết cách thì vẫn có thể song hành với nhau và hỗ trợ cho nhau. Không có hội nhập thì nghề múa rối nước, nghề dệt thổ cẩm và nhiều ngành nghề truyền thống khác chắc sẽ rất khó phát triển. Không có hội nhập, nhiều phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số chắc cũng khó được bảo tồn. Các điệu múa cổ, các lễ hội truyền thống… đang được bảo tồn dễ dàng hơn nhờ hội nhập, nhờ có khách du lịch.
Bản sắc thậm chí còn là một lợi thế cạnh tranh. Bởi vì bản sắc tạo nên sự độc đáo, sự hấp dẫn. Ví dụ, phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An mang bản sắc văn hóa của người Việt và là duy nhất trên thế giới nên có sức cuốn hút to lớn đối với du khách nước ngoài. Hồ Gươm cũng vậy, những gánh hàng hoa trên đường Hà Nội cũng vậy... Các nhà hàng, khách sạn cao cấp chắc cũng sẽ hấp dẫn hơn đối với khách du lịch nước ngoài nếu bản sắc văn hóa Việt được sử dụng để bổ sung giá trị. Bản sắc văn hóa còn có thể bổ sung giá trị cho hàng hóa và dịch vụ của chúng ta. Nhờ đó chúng cũng trở nên đặc biệt hơn, hấp dẫn hơn đối với khách hàng cả trong nước lẫn ngoài nước.
Tóm lại, tiếp thu tinh hoa của nhân loại nhưng giữ gìn bản sắc của dân tộc không chỉ là phương châm hành động mà còn là bản năng tồn tại của chúng ta. Và đó cũng chính là cách thức chúng ta hội nhập với thế giới.
Bình luận (0)