Ngày 18-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự diễn đàn với tư cách khách mời.
Năm 2023, GDP có khả năng tăng 7%
Phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã bàn luận về việc củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.
Nhận định tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết kinh tế phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022. GDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021. Các dự báo đưa ra cho thấy cả năm 2022, GDP có khả năng tăng 7%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế có thể khó khăn hơn vào quý IV/2022 và năm 2023.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã chỉ ra các thách thức mà nền kinh tế đang đối mặt, như: áp lực lạm phát làm tăng chi phí sản xuất; rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống suy yếu...
Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định trong khi các nước trên thế giới đang dấy lên sự quan ngại về tình hình lạm phát thì Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kìm hãm tốt lạm phát. Nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng qua hơn 2 năm đại dịch, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang có được đà hồi phục ấn tượng.
Thảo luận tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cho rằng củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá mà còn ở việc tháo gỡ điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác hiệu quả các nguồn lực trong xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại diễn đàn.Ảnh: MINH PHONG
Chính sách tài khóa cần đơn giản về quy trình
Thảo luận về giải pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết về điều hành chính sách tiền tệ nói chung, Ngân hàng Nhà nước giải bài toán với nhiều yếu tố khác nhau. Mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đồng thời bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Ông Phạm Thanh Hà nhận định áp lực lạm phát còn lớn và kéo dài nên Ngân hàng Nhà nước sẽ hết sức chú trọng công tác này. Bên cạnh đó, trong nhiều năm trở lại đây, áp lực tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, là mức cao hơn 2 năm trước. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động và thách thức, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng để đạt được mục tiêu này và không nới tăng trưởng tín dụng.
Đề xuất về chính sách tài khóa trong giai đoạn tới, chuyên gia kinh tế, PGS -TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng nên rút kinh nghiệm từ các chính sách đã triển khai thời gian qua, chính sách nào đơn giản, dễ thực hiện thì triển khai để mang lại hiệu quả cao hơn. "Xem xét điều chỉnh các gói hỗ trợ không còn phù hợp với bối cảnh mới. Nguyên tắc chung của việc thực hiện chính sách tài khóa nên là đơn giản về quy trình, dễ xác định đối tượng hưởng lợi và không tạo ra cơ hội cho tham nhũng chính sách" - ông Vũ Sỹ Cường đề xuất.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin Chính phủ đã chỉ đạo bộ này tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới nhằm có công cụ linh hoạt ứng phó các tình huống giá xăng dầu biến động mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. "Bộ Tài chính luôn chủ động trong các giải pháp tài khóa để có phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Ổn định kinh tế vĩ mô là có tất cả
Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm dịch COVID-19, có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố "bất biến’’ để ứng với "vạn biến’’ của tình hình kinh tế thế giới.
Đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại 2 phiên hội thảo chuyên đề và phiên tọa đàm cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nguyên nhân lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ và có lúc có sự tác động của cả hai yếu tố này. Do đó, để có thể thực hiện kiên định chính sách đang thực thi trong chính sách tài khóa, mở rộng dư địa thì cần kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ song vẫn có sự linh động.
Về vấn đề tăng trưởng tín dụng được một số đại biểu đề cập tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đối với kinh tế vĩ mô thì "không thể nóng vội được". Phải kiên trì giữ vững kinh tế vĩ mô, có ổn định vĩ mô là có tất cả, mất ổn định vĩ mô là rất khó khăn. "Kiên trì nền tảng kinh tế vĩ mô cũng chính là giữ cho từng doanh nghiệp, từng ngân hàng" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về tín dụng, ngoài mục tiêu tăng trưởng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm cơ cấu và chất lượng tín dụng. Cần tính toán cơ cấu tín dụng để đưa vốn vào khu vực có nhu cầu thực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, xử lý các ngân hàng yếu kém.
Về các thị trường như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đều là "mạch máu" của nền kinh tế. Do đó, cần bảo đảm lưu thông lành mạnh, bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế để khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, đồng thời kết nối với quốc tế.
Bình luận (0)