Trong phiên làm việc đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã báo cáo tình hình tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2020.
Từ kỳ họp thứ 8 của QH khóa XIV đến nay, QH đã thông qua 32 dự án, trong đó 26 dự án do Chính phủ trình (18 luật và 8 nghị quyết). Về văn bản quy định chi tiết, tính từ ngày 16-8-2019 đến 30-9-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 104 văn bản. Đến nay, Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành được 76 văn bản, còn 28 văn bản chưa ban hành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng cần nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, nhất là người đứng đầu. "Qua làm công tác xây dựng pháp luật tại QH cho thấy khi nào các bộ, ngành liên quan đến quyền lợi sát sườn trong dự án luật thì lãnh đạo bộ tham dự tích cực. Còn các luật chung thì mời thứ trưởng đến dự cũng khó. Báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ địa chỉ, kiểm điểm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật" - đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Một số ý kiến đề cập thực trạng chồng chéo giữa văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nêu vấn đề: Có tình trạng luật không giao nhưng vẫn có văn bản hướng dẫn hoặc có tình trạng quy định một đằng, hướng dẫn một nẻo, thậm chí hướng dẫn trái luật.
Cụ thể, Luật Khám chữa bệnh cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu. Tuy nhiên, tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế lại cho phép người phụ trách chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh được quyết định người hành nghề thực hiện kỹ thuật chuyên khoa khác sau khi có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn đó do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp mà không cần bổ sung phạm vi hành nghề. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị vấn đề này phải sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời xử lý nghiêm, tránh tình trạng lặp lại.
Theo báo cáo của Chính phủ năm 2019, 37,8% người làm công tác pháp chế ở các bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh chưa có trình độ cử nhân luật. Chính phủ đã đề ra giải pháp là triển khai các lớp đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành luật để chuẩn hóa đội ngũ làm công tác này. Thế nhưng, báo cáo năm 2020 chưa đề cập đến tình hình thực hiện giải pháp nêu trên. Do đó, các đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề này.
Số vụ việc khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm
Cùng ngày, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết năm 2020, các cơ quan hành chính tiếp nhận 305.769 đơn thư các loại, trong đó 62% tổng số đơn tiếp nhận đủ điều kiện xử lý. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết hơn 24.200 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,5%; qua đó kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỉ đồng, 72,7 ha đất, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng. So với năm 2019, số đơn thư các loại tiếp nhận tăng 1,6%, riêng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm.
Bình luận (0)