Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng đến cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn, cuối năm 2016, từ ý tưởng của anh Hoàng Văn Hữu - lúc đó là Phó Bí thư Huyện Đoàn Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Châu đã triển khai mô hình "Gia đình tôi học tập và làm theo lời Bác".
Từ những việc cụ thể
Mô hình này bắt đầu từ những việc cụ thể và đơn giản như: treo ảnh Bác trong nhà, tuyên truyền lời dạy của Người qua các bức thư pháp. Sau đó, mô hình đã nhanh chóng trở thành phong trào có sức lan tỏa lớn do nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, đảng viên và người dân huyện Tân Châu.
Huyện Đoàn Tân Châu tặng những bức thư pháp viết lời dạy của Bác cho các đoàn viên, thanh niên tiên tiến
Huyện Đoàn Tân Châu đã phát động toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên trong huyện sưu tầm tranh ảnh và các câu nói, lời dạy của Bác có nội dung liên quan đến tình cảm của Người dành cho đoàn viên, thanh niên và tuổi trẻ nói chung. Sau đó, huyện đoàn phát động cuộc thi thiết kế tranh về các câu nói, lời dạy của Bác dành cho tuổi trẻ; viết thư pháp về các câu nói, lời dạy của Bác tặng những thanh niên tiên tiến. Bắt đầu từ tháng 5-2017, trong các phong trào Đoàn, Đội, hội, việc tuyên dương các gương điển hình bằng hiện kim, hoa tươi đã được thay thế bằng các bức thư pháp về những câu nói, lời dạy của Bác.
Khi thấy việc học tập và làm theo lời Bác trong thanh niên từ những câu nói, lời dạy của Người đạt hiệu quả, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Châu đã triển khai mô hình "Gia đình tôi học tập và làm theo lời Bác" sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, mỗi nhà đều sưu tầm, treo, dán hoặc trưng bày ít nhất 1 tấm hình, câu nói hoặc bức tranh về Người, đặt ở nơi trang trọng, tôn nghiêm trong gia đình nhằm nhắc nhở các thành viên ý thức về việc tự tu dưỡng, rèn luyện theo gương Bác.
Trong năm 2018, Huyện Đoàn Tân Châu đã in, đóng khung 47 câu nói của Bác và tổ chức treo tại các cơ sở Đoàn; 155 cán bộ Đoàn, đoàn viên thực hiện treo ảnh Bác; 81 cán bộ Đoàn, đoàn viên treo câu nói của Người tại gia đình... Trong 2 năm 2019-2020, Huyện Đoàn Tân Châu tiếp tục in các câu nói của Bác và treo tại tất cả cơ sở Đoàn trên địa bàn; trao tặng gần 200 bức thư pháp cho những gương thanh niên tiên tiến; in gần 1.000 câu nói của Người tặng các bí thư, phó bí thư, đoàn viên...
Huyện Đoàn Tân Châu còn phát động đoàn viên, thanh niên học tập, làm theo lời Bác bằng những việc làm thiết thực. Điển hình là việc hằng ngày, mỗi gia đình tiết kiệm 1 chén gạo hoặc tiền tiêu vặt để hỗ trợ các hộ dân khó khăn. Trong năm 2020, cán bộ Đoàn và đoàn viên hưởng lương đã tiết kiệm được 3.000 kg gạo tặng 31 hộ dân, gần 40 triệu đồng tặng 42 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng viên thực hiện trước
Tân Phú là xã được huyện Tân Châu chọn làm điểm tổ chức mô hình "Gia đình tôi học tập và làm theo lời Bác". Tại xã này, 100% chi bộ, trường học, văn phòng ấp và 100% đảng viên thực hiện tốt việc treo ảnh Bác và các câu nói của Người.
Ông Đoàn Duy Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Phú - cho biết việc thực hiện mô hình "Gia đình tôi học tập và làm theo lời Bác" đạt được kết quả là nhờ địa phương đã triển khai đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp và tích cực. Đảng viên gương mẫu thực hiện trước rồi tiếp tục triển khai đến các khu dân cư và đoàn viên, hội viên. Sau khi Đảng ủy xã phát động phong trào, tất cả đảng viên đã treo ảnh Bác và các câu nói của Người ở nơi trang trọng trong gia đình để hằng ngày học tập và noi theo.
"Đây là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ thể hiện lòng tôn kính của mọi người đối với vị lãnh tụ của dân tộc mà còn góp phần tuyên truyền sâu rộng những giá trị cao đẹp của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - ông Thắng nhấn mạnh.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Chí (ấp Tân Lợi, xã Tân Phú) là một trong những hộ dân gương mẫu của phong trào. Trước khi được phát động, gia đình ông đã hơn 40 năm treo ảnh Bác. Tấm ảnh đen trắng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông treo nay đã được thay thế bằng ảnh màu nhưng bức ảnh cũ vẫn được gìn giữ cẩn thận. Ông Chí bộc bạch: "Treo ảnh Bác để cho con cháu hằng ngày trông thấy mà học tập, làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Đó như là động lực để nhắc nhở mỗi thành viên gia đình luôn phấn đấu làm được nhiều việc tốt theo lời Bác dạy".
Ảnh Bác đã trở nên thân thuộc trong nhiều gia đình ở Tân Châu những năm qua, trở thành một nếp văn hóa được người dân gìn giữ, trân trọng. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Châu cho biết 100% cơ quan, đơn vị toàn huyện đã treo ảnh Người.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị tích cực triển khai. Việc này đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác từ những việc nhỏ nhất.
Đăng ký thực hiện việc làm hay
Anh Hoàng Văn Hữu cho biết với mô hình "Gia đình tôi học tập và làm theo lời Bác", những việc làm thiết thực của cán bộ, đoàn viên đã mang lại nhiều ý nghĩa, có sức lan tỏa sâu rộng. Thời gian tới, mô hình tiến thêm một bước với việc cán bộ, đoàn viên phải lựa chọn, đăng ký thực hiện một việc làm hay, việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; định kỳ 6 tháng/lần báo cáo kết quả. Huyện Đoàn Tân Châu sẽ đưa việc này vào tiêu chí thi đua hằng năm và xem đây là nội dung quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao tư tưởng và nhận thức chính trị cho đoàn viên, thanh niên.
Văn bản hành chính cần hợp pháp và hợp lý
Gần đây, một số văn bản hành chính ngay sau khi được cơ quan nhà nước ở vài địa phương ban hành đã gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, quyết định cưỡng chế người dân đi xét nghiệm Covid-19; xử phạt vi phạm hành chính người dân tự ý về quê từ vùng có dịch; cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã đủ điều kiện y tế đến/đi về từ vùng có dịch... hay những quyết định mang tính cục bộ địa phương, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng hoặc cơ quan chuyên ngành.
Dù chưa để lại hậu quả pháp lý đáng kể nhưng chuyện này cho thấy việc ban hành văn bản trong một số trường hợp còn bất cập, nhất là ở tính hợp pháp và hợp lý. Phần lớn những văn bản nêu trên sau đó đã được các cơ quan ban hành khắc phục bằng cách thu hồi hoặc sửa đổi, chứ chưa bị cơ quan nhà nước cấp trên ra quyết định bãi bỏ.
Tính hợp pháp của việc ban hành văn bản là phải phù hợp với nội dung và mục đích của luật; đúng thẩm quyền; xuất phát từ những lý do xác thực của nhu cầu quản lý nhà nước và đời sống xã hội; đúng hình thức và trình tự thủ tục do luật quy định; đúng tên gọi, thể thức văn bản được quy định. Văn bản quản lý hành chính nhà nước không đáp ứng một trong 5 tiêu chí trên thì rất dễ phạm phải những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Chính vì vậy, dù trong thời khắc "nước sôi lửa bỏng" chống dịch Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn xem xét, ban hành nghị quyết đồng ý để Chính phủ thực hiện 4 nội dung khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Chính phủ còn phải làm vậy, đáng tiếc tinh thần đó chưa được tuân thủ ở vài địa phương khi áp dụng các biện pháp chống dịch.
Tính hợp lý là sự thể hiện tính khả thi và hiệu quả cao nhất về kinh tế, chính trị, xã hội sau khi văn bản ban hành, triển khai thực hiện, phải đáp ứng 4 tiêu chí: Bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, tập thể và cá nhân; có tính cụ thể và phù hợp với từng vấn đề, với các đối tượng thực hiện; bảo đảm tính hệ thống toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa hậu quả trực tiếp và gián tiếp, kết quả trước mắt và kết quả cuối cùng; bảo đảm kỹ thuật lập quy - tức là ngôn ngữ, văn phong, cách trình bày phải rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn, chính xác, không đa nghĩa.
Một quyết định hợp pháp nhưng không hợp lý thì cũng không khả thi, không hiệu quả và sẽ không có sức sống vì không được sự đồng thuận của người dân. Thực tế, một vài quyết định hành chính vừa qua chỉ tồn tại chưa đến 2 ngày.
Nguyễn Vân Hậu (nguyên Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)
Bình luận (0)