.Phóng viên: Thưa ông, việc xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái, tiêu cực thời gian qua được dư luận đánh giá cao. Ông đánh giá thế nào về điều này?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc .Ảnh: MINH PHONG
- PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì thước đo cuối cùng vẫn là chăm lo cho cuộc sống của người dân, diện mạo đất nước thay đổi. Đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Nói về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta phải nhìn ở cả hai phương diện: xây và chống. Ở phương diện xây, kỷ luật trong Đảng, pháp luật nhà nước được giữ nghiêm, công tác cán bộ có những chuyển biến tích cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị. Xây dựng Đảng về mặt đạo đức đã gắn liền với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Về mặt chống, chúng ta đã kiên quyết chống tham nhũng, đấu tranh với các hành vi tiêu cực. Vai trò lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc xử lý cán bộ tham nhũng, suy thoái về đạo đức, phẩm chất chính trị được thể hiện rất rõ. Trong nhiệm kỳ khóa XII, Đảng đã xử lý hơn 87.000 cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, đặc biệt là có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, một số cán bộ, đảng viên từng giữ vị trí cao ở các địa phương như TP Hà Nội, TP HCM, Bình Dương hay gần đây là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã bị xử lý do có vi phạm. Quyết tâm và hành động chống tham nhũng đã củng cổ niềm tin trong Đảng và trong xã hội.
.Ông có thể nói rõ hơn một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", như trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã chỉ ra?
- Tôi cho rằng hành vi tham nhũng biểu hiện rõ nhất của suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tham nhũng vừa thuộc phạm trù đạo đức vừa thuộc phạm trù pháp luật.
Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII .Ảnh: TTXVN
Từ các vụ việc cán bộ bị xử lý kỷ luật, kể cả cấp trung ương, hầu hết đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc khác của Đảng. Các cán bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc, dẫn tới lạm quyền, sử dụng quyền lực để thu vén lợi ích riêng, rồi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, có các trường hợp rất đáng tiếc ở cấp Bộ Chính trị, cấp Ủy viên Trung ương - cán bộ cấp cao nhưng biến chất, từ con người có lý tưởng cách mạng trở thành người đi ngược lại lý tưởng đó.
.Nhiệm kỳ vừa qua, nhân dân nhắc nhiều đến việc không còn "hạ cánh an toàn" với bất kỳ ai. Theo ông, đây có phải là điểm mới và cần duy trì?
- Đúng như vậy, không còn "hạ cánh an toàn" là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng trong đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Trước đó, việc cán bộ sai phạm đã không bị xử lý sau khi về hưu, hoặc có xử lý cũng chưa thực sự nghiêm khắc. Điều này làm nảy sinh những hiện tượng trên thực tế như "hoàng hôn nhiệm kỳ", "chuyến tàu vét".
Với quyết tâm chống tham nhũng, Đảng đã xử lý những cán bộ vi phạm kỷ luật, dù đương chức hay nghỉ hưu, dù chuyển vị trí công tác, thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật. Sự cương quyết đó củng cố niềm tin trong nhân dân, là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ với những cán bộ đang và sẽ có ý định "nhúng chàm".
.Tại hội nghị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
- Đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bao quát được thực trạng. Chúng ta đã phân tích ở trên về kết quả đạt được, qua đó cho thấy rằng cán bộ vi phạm đang dùng nhiều cách để che giấu khuyết điểm, thậm chí là dùng thủ đoạn để tạo vỏ bọc cho mình trong tổ chức Đảng. Phần lớn khuyết điểm của cán bộ là do bản thân thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí. Nhưng trên thực tế, không ít cán bộ không còn biết đến liêm sỉ, tranh thủ kiếm chác, đục khoét, chỉ lo vun vén cho cá nhân.
Một điểm đáng lưu ý là khi cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhưng việc tự một tổ chức Đảng đấu tranh, phê bình, tự phê bình để chủ động phát hiện các hành vi vi phạm, tiêu cực là rất hiếm; phải có sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan thanh tra hay cơ quan điều tra của Bộ Công an thì các vi phạm, khuyết điểm ấy mới hé lộ, mới được đưa ra ánh sáng. Điều đó cho thấy công tác quán lý cán bộ, đảng viên có nơi còn lỏng lẻo.
Khi các vi phạm ngày càng phức tạp hơn, tinh vi hơn thì công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng không được phép lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt trong tình hình mới. Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi đã thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.
Theo tôi, phải siết chặt kỷ luật, bịt các kẽ hở trong hệ thống pháp luật. Giao cho cán bộ quyền lực thì phải kiểm soát quyền lực, không để cho họ sử dụng quyền lực vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm. Vừa qua, chống tham nhũng là chúng ta đang xử lý những hành vi đã xảy ra, nên thời gian tới cần tăng cường phòng ngừa nguy cơ tham nhũng gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Muốn như vậy, phải nâng cao vai trò theo dõi, nắm tình hình của từng tổ chức Đảng.
.Ông vừa nhắc đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong xây dựng Đảng thì xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ "then chốt của then chốt". Vậy theo ông, chúng ta cần lưu ý gì trong công tác này?
- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng xét đến cùng vẫn là công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta".
Chủ tịch Hồ Chí Minh ví làm công tác cán bộ như người làm vườn, chúng ta phải lựa chọn, vun trồng những cây cối tốt, cũng như việc lựa chọn, bồi dưỡng những cán bộ có đức, có tài. Chúng ta phải biết quý những cán bộ tốt, lấy đó làm nòng cốt. Tôi đánh giá cao khi ngày 22-9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận này đã xác định cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Khi chúng ta có nhiều cán bộ giỏi, có đức, có tài thì một bộ phận cán bộ hư hỏng sẽ phải "lộ diện". Trong việc phòng chống dịch Covid-19 vừa qua cũng đã thể hiện vai trò của công tác cán bộ. Ở địa phương nào có cán bộ giỏi, có trách nhiệm với nhân dân, có sáng kiến, sáng tạo thì sẽ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Việc xây dựng Đảng của chúng ta cũng hướng đến mục tiêu có cán bộ tốt, cán bộ giỏi, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Chống tiêu cực, tham nhũng phải thường xuyên, liên tục
Theo ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tiêu cực, tham nhũng phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ đó sẽ góp phần cảnh tỉnh, răn đe đối với cán bộ, đảng viên. Cán bộ càng giữ chức vụ cao thì càng đối mặt với nhiều cám dỗ. "Không thể nói các cán bộ ở vị trí cao khi thực hiện hành vi vi phạm mà không nhận thức được đó là sai trái. Rõ ràng họ biết và hiểu đó nhưng do móc ngoặc, cấu kết, bao che cho nhau nên vẫn làm" - ông Hòa nhận xét.
Bình luận (0)