Khoảng 21 giờ 40 phút ngày 19-1, tài xế Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), điều khiển xe ben chở đá (quá tải trọng gấp 5 lần tải trọng của cầu) đã gây sập cầu Long Kiểng (nối xã Phước Kiểng và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM). Xe ben và một xe máy đi cùng chiều rớt xuống sông, rất may cả 2 người điều khiển xe thoát được.
Oằn mình từng ngày
Trở lại hiện trường vào sáng 20-1, chúng tôi chứng kiến hàng loạt giàn thép lớn của cầu Long Kiểng đứt gãy trơ khung. Một nhịp ở khoang thông thuyền cầu Long Kiểng sập hoàn toàn, sạt hẳn qua một bên. Còn phía dưới, những bó cáp lớn cùng nhiều đường ống nước bị đứt rời, treo trên mặt nước...
Hiện trường vụ sập cầu Long Kiểng vào tối 19-1 Ảnh: GIA MINH
Sự cố này làm giao thông trên đường Lê Văn Lương nối giữa 2 xã Phước Kiểng và Nhơn Đức bị đứt đoạn. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã tổ chức các lộ trình thay thế qua khu vực trên trong lúc chờ khắc phục, bao gồm cả đường bộ và đường thủy. Tuy nhiên, thời gian sớm nhất để thông xe qua đoạn này cũng phải đến giáp Tết Mậu Tuất 2018.
Đường Lê Văn Lương có 5 cầu, ngoài cầu Long Kiểng còn có 3 cầu khác cũng đang trong tình trạng... "kêu cứu". Gần đó theo hướng về tỉnh Long An là cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi cũng tương tự cầu Long Kiểng, được xây dựng trước năm 1975, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Tải trọng cầu thấp, chỉ cho phép các loại xe từ 1-3,5 tấn lưu thông, nhưng mỗi ngày cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi phải "gánh" hàng ngàn lượt phương tiện từ đường Lê Văn Lương qua các xã Nhơn Đức, Phước Kiểng và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Kết cấu hạ tầng của những cây cầu trên chủ yếu là sắt thép nhưng đã hoen gỉ, bong tróc. Chỉ cần một chiếc xe máy chạy qua, cầu đã rung bần bật. Trong khi đó, độ tĩnh không của 2 cây cầu này cũng không bảo đảm nên luôn đối mặt với việc bị tàu thuyền, sà lan tông.
"Chạy xe qua cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi hằng ngày nhưng lần nào tôi cũng vừa đi vừa run bởi cầu đã quá yếu. Hơn nữa, mặt cầu hẹp, trơn và lại có độ dốc lớn nên rất nguy hiểm khi trời mưa" - chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ xã Nhơn Đức) nói.
Tương tự, khi ngược đường Lê Văn Lương theo hướng vào trung tâm TP HCM, người dân cũng ám ảnh khi phải đi qua cầu Rạch Đỉa do đã xuống cấp nghiêm trọng. Lượng xe qua cầu này đông hơn những cầu trên do đây là điểm nối giữa quận 7 và huyện Nhà Bè với nhiều khu dân cư đông đúc. Phần trụ bệ đỡ bê tông cầu đã nghiêng ngả; những thanh thép, hành lang bảo vệ lưới thép, mặt nền cầu cũng đều đã gỉ sét nham nhở.
Thiếu tiền xây cầu
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, trên đường Lê Văn Lương chỉ cầu Ông Bốn đã xây dựng bê tông đồng bộ với giao thông trên tuyến. Còn 4 cây cầu sắt nêu trên, dù đã có chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2001 nhưng chỉ có cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa được duyệt. Hai cầu còn lại là Rạch Tôm và Rạch Dơi do từ khi duyệt dự án đến lúc triển khai đã phát sinh nhiều thay đổi trong chính sách, quy mô dự án cũng không còn phù hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án ở 2 cầu này, các đơn vị cũng chưa cân đối được vốn và trước đó đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Tuy nhiên, phương án hoàn vốn theo hình thức này chưa khả thi nên được đưa vào danh mục đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trong năm 2019.
Cũng theo ông Cường, hiện các trục đường chính trên địa bàn TP có 30 cầu yếu, không đồng bộ với giao thông trên tuyến do sở GTVT quản lý đã được đưa vào danh mục ưu tiên, nhằm thực hiện đồng bộ đến 2020. Còn nếu tính cả trong các khu dân cư của toàn TP thì hiện có khoảng 200 cầu yếu và 55 cầu không đồng bộ tải trọng, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để có thể cải tạo hoặc xây mới. Trước mắt vẫn khai thác hiệu quả hạ tầng hiện hữu nhưng vẫn phải bảo đảm tuyệt đối an toàn và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Liên quan đến trách nhiệm sập cầu Long Kiểng, giám đốc Sở GTVT TP cho biết Công an huyện Nhà Bè hiện đang điều tra và quan điểm của Sở GTVT là nếu có dấu hiệu vi phạm thì cần phải khởi tố. "Về trách nhiệm của ngành thì chúng tôi cũng đang chờ kết quả điều tra từ cơ quan Công an huyện Nhà Bè, đánh giá của đơn vị giám sát, tư vấn và sẽ làm rõ trách nhiệm đối với đơn vị được giao tại khu vực để xảy ra sự cố trên" - ông Cường cho biết.
Sà lan tông sập cầu Long Hòa B - Tiền Giang
Sáng 20-1, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp công an huyện Châu Thành khám nghiệm hiện trường điều tra làm rõ nguyên nhân sà lan B.Tr 5799 tông vào cầu Long Hòa B làm sập hoàn toàn hai trụ cầu nhịp giữa đè xuống sà lan.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 3 giờ sáng tài công Phan Phước Nam (SN 1982, ngụ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) điều khiển phương tiện nói trên chở 100 tấn cát từ kênh 2A qua ấp 1, xã Long Định. Đến tuyến kênh Phủ Chung bất ngờ tông sập cầu Long Hòa B làm nhịp cầu này đứt ngang đè xuống sà lan. Rất may nhịp cầu này sập đè trúng ngay hầm chở hàng chỉ cách cabin vài mét, nơi có 4 người đang nằm ngủ.
M.SƠN
Bình luận (0)